In bài viết

Kiên Giang: Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(Chinhphu.vn) - Cùng với cả nước, tỉnh Kiên Giang đang bước vào năm thứ 5 của quá trình chuyển đổi số, với chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

17/09/2024 16:27

Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Theo đó, Kiên Giang xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, đóng góp tích cực, tạo bức phá trong phát triển KT-XH. Trong đó "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" được xem là mục tiêu cũng là giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí khi tham gia các thủ tục hành chính (TTHC); tránh việc nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà ở một bộ phân công chức; cũng như tăng tính công khai minh bạch trong giải quyết hồ sơ TTHC.

photo-1726564772262

Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì họp Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ - Ảnh: VGP/ Thanh Bình

T quan điểm đó, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" và đã được những kết quả nhất định như:

Về chính quyền số, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kiên Giang đã liên thông đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành trung ương; đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo nên thể thống nhất, đồng bộ trong cung cấp dịch vụ hành chính công 04 cấp. Đã cung cấp 1.811 dịch vụ công trực tuyến, với 951 dịch vụ công toàn trình và đồng bộ 770 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 81% (chỉ tiêu năm 2024 là 80%); công khai minh bạch đạt 100%; đồng bộ hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 96,15%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn 93,37%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 63% (năm 2023 đạt 23,6%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 71,35% (năm 2023 đạt 24,2%); đáng chú ý tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt 82,04% (so với năm 2023 chỉ đạt 50,44%).

Kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Quyết định 766/QĐ-TTg, Kiên Giang được đánh giá đạt 79,1/100 điểm (trung bình cả nước 75,8 điểm) và tạm thời xếp hạng 25/63 tỉnh thành, tăng 21 bậc so với cuối năm 2023 (năm 2023 xếp hạng 46/63 tỉnh thành).

Về triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06, kết quả thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đã tiếp nhận trực tuyến đạt 51,46% (trong đó ngành Công an có 11/25 dịch vụ công tiếp nhận trực tuyến đạt 99,30%); Tập trung triển khai 50 mô hình, đến nay tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện được 36 mô hình, còn lại 14 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2025.

Về an toàn thông tin đã được đầu tư, nâng cấp, triển khai đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp. Hiện nay, có 100% cơ quan nhà nước đã được đầu tư trang thiết bị tường lửa chuyên dụng kết nối đến Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đảm bảo cho hoạt động công vụ trên môi trường số được bảo mật và an toàn thông tin, dữ liệu.

Nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả

Đạt được những kết quả trên, tỉnh Kiên Giang đã áp dụng các giải pháp sau:

Tập trung rà soát, làm sạch dữ liệu TTHC, với sự hỗ trợ của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), từ tháng 9/2023 đến nay, tỉnh đã rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa 1.659/1.807 thủ tục đạt 91,81%, qua đó đã loại bỏ trên 100 TTHC lạc hậu, không còn hiệu lực; giúp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng TTHC được nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Quyết tâm trong việc đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa 59 TTHC; cắt giảm thời gian trung bình từ 05 - 10 ngày/01 TTHC với 176 TTHC của 27 lĩnh vực thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đã ban hành 07 nghị quyết của HĐND tỉnh về miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến với 165 TTHC, thực hiện từ tháng 6/2024. Ngoài ra, đã triển khai thực hiện kịp thời việc giảm mức thu một số phí, lệ phí từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 theo Thông tư số 43/2024/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số 78 TTHC được miễm, giảm phí, lệ phí.

Về tập trung bố trí nguồn lực thực hiện, trong năm 2024, tỉnh đã bố trí hơn 79 tỷ cho thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06; trong đó 40 tỷ cho triển khai Đề án 06; 30,3 tỷ thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử tỉnh vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và 8,7 tỷ đồng thực hiện hoạt động số hóa, quản lý và khai thác dữ liệu số.

Quyết tâm, quyết liệt bám sát các chỉ đạo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là chú trọng vào "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Kiên Giang cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn của các cơ quan trung ương, đặc biệt là Cục Kiểm soát TTHC trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng có những khó khăn, vướng mắc như:

Mặc dù tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ vẫn ở mức thấp, do việc đồng bộ kết nối dữ liệu, kết nối các hệ thống chuyên ngành chưa được hoàn chỉnh; bên cạnh đó mức độ khai thác kho dữ liệu cá nhân của người dân khi tham gia TTHC chưa cao dẫn đến việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự thuận tiện và liền mạch.

Kiên Giang là tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nên trình độ ứng dụng công nghệ thông tin một bộ phận người dân còn hạn chế và tâm lý e ngại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đến các đối tượng này chưa đạt kết quả cao.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh rút những bài học kinh nghiệm và áp dụng triển khai có hiệu quả: tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua các nghị quyết, văn bản chỉ đạo. Ban hành và áp dụng bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số cấp sở và địa phương. Giao chỉ tiêu chuyển đổi số hằng năm cho các ngành và huyện, thành phố. Duy trì họp giao ban hằng tháng, đánh giá kết quả triển khai và kịp thời chỉ đạo khắc phục những hạn chế, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

5 nhóm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số

Để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Từ thực tiễn của địa phương, tỉnh Kiên Giang đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số trong triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 nhằm đảm bảo việc đồng bộ, kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu và kết nối liên thông giữa các hệ thống chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, phát huy tối đa việc tái sử dụng dữ liệu khi cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mang lại sự tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Thứ ba, nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các thiết bị thông minh để nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục tà soát, nghiên cứu cải thiện tính năng, giao diện thực hiện dịch vụ công trực tuyến để người dân dễ dàng thao tác, khai báo, sử dụng (hiện chức năng đăng nhập đã thuận lợi bằng tài khoản VneID). Đồng thời, cải tiến quy trình điện tử, nhằm tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ toàn trình.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện dịch công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp nhằm hình thành thói quen và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là thói quen khai thác kho dữ liệu cá nhân.

Thanh Bình (Sở Nội vụ Kiên Giang)