Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang về nhiệm vụ cải cách thể chế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung, thời gian, tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành và phục vụ nhân dân tốt hơn. Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Theo đó, Sở Tư pháp đã niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, bảo đảm tốt việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, xử lý nghiệp vụ... trong theo dõi quá trình tiếp nhận, xác minh, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả sớm nhất cho các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, năm 2023 Sở đã tiếp nhận 14.712 hồ sơ, trong đó trực tuyến 877 hồ sơ (5,96%), trực tiếp và BCCI 13.835 hồ sơ (94,04%). Đã giải quyết 13.989 hồ sơ (trước hạn 13.905 hồ sơ (99,4%), đúng hạn 17 hồ sơ (0,12%), quá hạn 67 hồ sơ (0,48%)). Đang giải quyết 702 hồ sơ, 100% trong hạn và dừng xử lý hoặc đã hủy 21 hồ sơ.
Quý I năm 2024, Sở đã tiếp nhận 6.422 hồ sơ, trong đó trực tuyến 426 hồ sơ (6,63%), trực tiếp và BCCI 5.294 hồ sơ (82,44%), kỳ trước chuyển sang 702 hồ sơ (10,93%). Đã giải quyết 5.138 hồ sơ, trong đó: trước hạn 5.033 hồ sơ (97,96%), đúng hạn 14 hồ sơ (0,27%), quá hạn 91 hồ sơ (1,77%); Đang giải quyết 1.283 hồ sơ, trong đó: trong hạn 1.255 hồ sơ (97,82%), quá hạn 28 hồ sơ (2,18%); Dừng xử lý hoặc đã hủy 01 hồ sơ.
Sở công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, số điện thoại Chánh văn phòng và Chánh thanh tra Sở để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, số hóa khi tiếp nhận 968/14.712 hồ sơ (6,58%); số hóa kết quả giải quyết 39/13.985 hồ sơ (0,28%); số hồ sơ được số hóa cả đầu vào và đầu ra 16/14.712 hồ sơ (0,11%). Quý 1/2024, số hóa khi tiếp nhận 1.697/5.720 hồ sơ (29,67%); số hóa kết quả giải quyết 1.534/4.451 hồ sơ (34,46%); số hồ sơ được số hóa cả đầu vào và đầu ra 1.532/5.720 hồ sơ (26,78%).
Ông Trần Văn Khái Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian qua, các thủ tục hành chính thuộc sở được công khai, minh bạch đúng quy định, qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Sở kịp thời rà soát các thủ tục hành chính mới, thay thể, sửa đổi bổ sung trình UBND tỉnh ban hành quyết định đúng quy định.
Sở Tư pháp đã chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành; công tác tài chính công khai, minh bạch đúng quy định.
Tăng cường triển khai có hiệu quả Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp và tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Thủ tướng.
Đồng thời, tuyên truyền khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường giải pháp nhằm hạn chế, giảm hồ sơ trả quá hạn…việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đơn vị được thực hiện tốt, ngày càng có hiệu quả nhất là trong việc sử dụng thư điện tử công vụ.
Theo đó, 100% công chức, viên chức được cấp và sử dụng thư điện tử công vụ trong việc trao đổi thông tin, công việc; sử dụng chứng thư số trong xử lý công việc chuyên môn nên đã rút ngắn được thời gian, tăng hiệu quả chính xác của công việc, góp phần chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa việc giải quyết thủ tục hành chính.
Xác định việc chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền hành chính công hiệu quả, minh bạch là bước đột phát mới, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Thường xuyên rà soát để phát hiện văn bản không còn phù hợp với quy định mới của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời xử lý hoặc tham mưu xử lý.
Sở thực hiện tốt việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015; Sở đã ban hành Chính sách chất lượng, Mục tiêu chất lượng, Kế hoạch thực hiện mục tiêu năm 2023, thực hiện đánh giá nội bộ và họp xem xét của lãnh đạo theo quy định. Các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được kiểm tra đều có thành phần hồ sơ tiếp nhận và lưu giữ đầy đủ.
Tuy nhiên, việc cập nhật số liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa cập nhật đầy đủ; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn rất thấp, chưa đạt chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, Trang thông tin điện tử của Sở chưa cung cấp các thông tin như công bố, công khai các đề án, dự án của ngành theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần khắc phục việc triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm (dữ liệu hộ tịch); chưa kịp thời công bố lại hệ thống quản lý chất lượng khi có sự mở rộng, thu hẹp phạm vi áp dụng (thủ tục hành chính); đánh giá nội bộ chưa đảm bảo tính khách quan…
Thanh Bình (Sở Nội vụ Kiên Giang)