In bài viết

Kỳ 2: Cần những giải pháp đồng bộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Sơn La

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các huyện, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu có những chuyển biến tích cực.

11/12/2022 14:14
Kỳ 2: Cần những giải pháp đồng bộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Sơn La - Ảnh 1.

Diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ của Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La tại huyện Thuận Châu - Ảnh: Báo Sơn La

Những vấn đề cần quan tâm

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng những doanh nghiệp, HTX đang trực tiếp thực hiện thì sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Sơn La chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất lớn, quy trình sản xuất và chế độ giám sát chặt chẽ trong sản xuất hữu cơ đang làm tăng chi phí.

Công tác đào tạo, quản lý để hỗ trợ người sản xuất, người nông dân với kiến thức nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, sản phẩm hữu cơ chưa được phổ biến rộng rãi; chưa có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nên giá bán không cao, thậm chí chỉ bằng các loại rau an toàn. Hơn nữa, người tiêu dùng chưa có căn cứ phân biệt sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác...

Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La tại huyện Thuận Châu đã có 4 năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm một số loại cây trồng theo mô hình sản xuất hữu cơ với diện tích sản xuất khoảng 60 ha. Trong đó, diện tích đơn vị trực tiếp sản xuất khoảng 10 ha; diện tích liên kết đầu tư đang triển khai thực hiện 50 ha. 

Năm 2021, đơn vị đã liên kết với các hộ dân và HTX để sản xuất 284 tấn sản phẩm hữu cơ, công ty cũng tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương; tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông sản sau thu hoạch cho bà con nông dân vùng liên kết, từng bước thay đổi được ý thức và tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch... 

Theo ông Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, đơn vị đang gặp những khó khăn cần được tháo gỡ, như ý thức và tư duy sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ chưa cao; diện tích đất sản xuất và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch chưa đảm bảo. 

Người dân không muốn liên kết, chỉ muốn cho thuê đất. Đặc biệt, đơn vị gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là các khó khăn do yêu cầu kỹ thuật, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ thấp.

Tăng cường liên kết, hỗ trợ

HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang được huyện Mộc Châu chọn triển khai thí điểm mô hình đầu tiên về phát triển nông nghiệp hữu cơ, với quy mô 5 ha, 16 hộ tham gia. Ban quản trị HTX xây dựng kế hoạch hằng tháng và theo từng khung thời vụ để hướng dẫn các thành viên gieo trồng, áp dụng kỹ thuật để trồng các loại rau trái vụ, tập trung cao từ tháng 4 đến tháng 10 để các sản phẩm được cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX cho biết, HTX liên kết với một số siêu thị, bếp ăn tập thể ở Hà Nội, trên cơ sở đó, điều phối kế hoạch sản xuất tới từng hộ thành viên về diện tích, số lượng chủng loại rau, thời gian gieo trồng lệch nhau nên luôn đủ nguồn cung cho đối tác, tránh thu hoạch dồn một lúc, bảo đảm tiêu thụ ổn định. 

HTX thống nhất về quy trình sản xuất, các thành viên đều có sổ ghi chép ngày xuống giống, ngày phun thuốc và loại thuốc, đồng thời, thành lập tổ giám sát quy trình sản của các hộ thành viên, bảo đảm sản phẩm an toàn, chất lượng.

Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chia sẻ: Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh Sơn La, các doanh nghiệp ngoài tỉnh (đơn vị thu mua sản phẩm); các doanh nghiệp, HTX của huyện (đơn vị sản xuất sản phẩm) để triển khai hướng dẫn nông dân thực hiện và đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ theo chuỗi giá trị khép kín để phát triển sản xuất hữu cơ bền vững, hiệu quả cao.

Còn tại huyện Yên Châu, việc thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ đã đem lại nhiều kết quả tích cực, năm 2022, dự kiến sản lượng quả của huyện Yên Châu đạt 90.000 tấn. Đặc biệt, sản phẩm hoa quả của huyện đã đủ điều kiện đi vào các siêu thị trong nước hoặc xuất khẩu sang thị trường Australia.

Ông Lù Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu kiến nghị tỉnh Sơn La cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025. Trong tiêu thụ sản phẩm, cần có cơ chế, chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Các doanh nghiệp, HTX sản xuất cũng mong muốn các đơn vị liên quan có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác, xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tiềm năng phát triển, tập trung vào chất lượng và không làm theo phong trào; ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển. 

Lựa chọn xây dựng những mô hình trọng điểm, thế mạnh, hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ chuẩn, chuyển giao, nhân rộng đến các HTX, doanh nghiệp và người nông dân. Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện các đề án, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và người dân tham gia triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện.

LS