• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Kỳ 1: Sơn La đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm an toàn

(Chinhphu.vn) - Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững là tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Đó cũng là nếp nghĩ, cách làm của nhà quản lý kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ở Sơn La đã và đang triển khai, những mong có nhiều sản phẩm chất lượng, thân thiện, hiệu quả.

10/12/2022 13:12
Kỳ 1: Sơn La sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Mô hình trồng rau hữu cơ tại HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La - Ảnh: Báo Sơn La

Nhiều cơ chế khuyến khích

Đối diện với những vấn đề đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của con người và chất lượng sản phẩm, từ năm 2019, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Triển khai thí điểm mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 về hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 8/4/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh năm 2019 - 2020. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ, trình tự thực hiện hỗ trợ. 

Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ, trình tự thực hiện hỗ trợ và hỗ trợ cho các tổ chức đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn này là hơn 8,998 tỷ đồng, gồm 2,4 tỷ đồng thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ tổng hợp; hơn 6,589 tỷ đồng thực hiện mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đồng tình, quyết tâm làm nông nghiệp sạch, hữu cơ, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Bắt nhịp từ cơ sở

Trên cao nguyên Mộc Châu, sau hơn 3 năm triển khai, việc thực hiện chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã đạt được một số kết quả. Toàn huyện đã có gần 180 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất gần 1.100 ha; có khoảng 2.100 tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh tại vườn với khối lượng khoảng trên 4.200 tấn; có gần 3.000 cơ sở sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, trong đó có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.911 hộ dân; trên 51% tổng lượng phân bón đã sử dụng là phân hữu cơ; trên 41% lượng thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng là thuốc có nguồn gốc sinh học. 

Từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, huyện đã cung cấp ra thị trường sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Mộc Châu.

Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết nhận thức về lợi ích của sản xuất hữu cơ đối với sức khỏe, môi trường, xã hội trong cán bộ, nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được các hộ dân nhiệt tình hưởng ứng và triển khai, sử dụng các loại chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ...

Tại huyện Yên Châu, mô hình hữu cơ được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc mở lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân vi sinh, kỹ thuật bón, chăm sóc cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ tại HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc với 40 người tham gia. 

Ông Đào Quốc Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết hiệu quả kinh tế đem lại trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đó là năng suất, sản lượng xoài của các hộ tham gia mô hình đạt 25 tấn/ha, trong khi đó hộ trồng đại trà chỉ đạt từ 18-20 tấn/ha. Sản phẩm đủ điều kiện đi vào các siêu thị lớn tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là đã xuất khẩu được sang thị trường Australia...

Đến xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, những quả đồi trước kia vốn là đất bạc màu, chủ yếu trồng sắn, cà phê hay bị hoang hóa thì nay đã trở thành những khu trồng na, cam, thanh long, nhãn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, nhiều diện tích đang được các hộ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học... 

Ông Đặng Quốc Tuấn, thành viên của HTX phát triển cây ăn quả Nam Tiến, xã Bon Phặng, cho biết gia đình ông trồng 4 ha na và cam cara ruột đỏ, 2 ha thanh long ruột đỏ, vàng, 6 ha na sầu riêng, Đài Lan, Hoàng Hậu thực hiện theo quy trình VietGAP và sản xuất hữu cơ. Hiện, ông hợp tác với một doanh nghiệp thực hiện ủ chế phân vi sinh từ bã cà phê để thành nước tưới dinh dưỡng cho các loại cây trồng.

Còn gia đình anh Lương Quốc Huy, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, nhiều năm qua anh đã trồng cây ăn quả sạch với việc cách chăm sóc bằng phân hữu cơ. Gia đình anh đang trồng 2,4 ha cam cara, 0,4 ha cam đường canh và hơn 2,5 ha xoài, nhãn. Anh Huy cho biết diện tích cây ăn quả của gia đình sử dụng phân gà Sakura của Nhật Bản và các chế phẩm sinh học như nấm đối kháng, vi phẩm đối kháng để diệt sâu bệnh. So với trồng phương pháp thường, trồng theo hướng hữu cơ sản lượng không tăng nhưng giá bán cao hơn và được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Những chuyển biến tích cực

Phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển tích cực ở các địa phương với nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ. Giai đoạn 2019 - 2020, toàn tỉnh triển khai 98 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để sản xuất 11 loại sản phẩm nông nghiệp (xoài, nhãn, chanh leo, na, thanh long, cam, bưởi, rau, chè, thịt lợn, phân hữu cơ) của 89 HTX, 9 doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông sản hữu cơ. Sự hình thành của nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đang tác động tích cực tới ngành nông nghiệp của tỉnh.

Ngành nông nghiệp đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 9 doanh nghiệp, HTX. Thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ tổng hợp có 84 mô hình tại 84 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn 12 huyện, thành phố để bón cho cây ăn quả, rau các loại. 

Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ triển khai trên địa bàn huyện Mai Sơn và Mộc Châu với diện tích 10 ha. Mô hình sản xuất quả (Xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, cam, bưởi, na) theo hướng hữu cơ có 50 ha với 9 mô hình của 9 tổ chức. Mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ có 20 ha với 2 mô hình của 2 doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm 2021, diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ đạt trên 500 ha, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới có hiệu quả như mô hình trồng dâu tây tại huyện Mộc Châu, mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Phù Yên... 

Nông nghiệp hữu cơ nhằm bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại, các vật tư đạt chuẩn tại Sơn La đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên để hoạt động sản xuất hữu cơ trong nông nghiệp được nhân rộng và phát triển bền vững, ổn định, cần sự chung tay, góp sức của cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và sự quyết tâm đồng lòng của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất.

LS