Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 sau khi triển khai bên cạnh những hiệu quả mang lại đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, nhiều nội dung bị chồng chéo, ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS).
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan soạn thảo, đề xuất sửa đổi 8 nhóm chính sách ở Luật Nhà ở và 4 nhóm chính sách ở Luật Kinh doanh bất động sản; lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp hoạt động BĐS, các chuyên gia.
Hội thảo được tổ chức với tinh thần mong muốn lắng nghe từ thực tiễn của các đại biểu tham dự nhằm tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật liên quan, qua đó tạo được hành lang pháp lý cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, tạo được quỹ nhà ở cho người dân.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội BĐS trình bày các nội dung về việc sở hữu nhà ở và BĐS đối với các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài; thời hạn sử dụng và sở hữu nhà chung cư, phát triển dự án nhà ở xã hội, trình tự thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở…
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành viên Hội Luật gia Quảng Bình, việc sửa đổi các nhóm chính sách Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cần tham khảo thêm luật các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có giải pháp xử lý các dự án ảnh hưởng tới môi trường, thu hồi các dự án sai phạm, xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở. Việc sửa đổi luật cần có tính phát hiện các sai phạm khi triển khai, dự báo được quá trình phát triển của xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra các phương án chọn lựa được nêu trong dự thảo một cách cụ thể, phân tích rõ những vướng mắc dẫn đến chậm trễ khi triển khai các dự án nhà ở và BĐS, tạo điều kiện cho người dân có thể mua được chỗ ở với mức giá phù hợp.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về giải quyết những điểm chồng chéo, vướng mắc, chưa phù hợp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan, qua đó hoàn thiện chính sách về nhà ở, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại diện một số doanh nghiệp đồng tình với phương án không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, cho rằng quy định sở hữu có thời hạn sẽ mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình phương án sở hữu chung cư có thời hạn vì dưới góc độ pháp lý, nhiều quốc gia đã quy định về thời hạn này.
Toàn bộ dự thảo được đăng tải công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ (chinhphu.vn) và Cổng TTĐT Bộ Xây dựng (moc.gov.vn).
Dự thảo sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) song song với đổi mới của Luật Đất đai nhằm đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai./.
Đức Thuận