Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (đoàn Cà Mau) thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Về nội dung dự thảo Luật, đại biểu cho rằng các quy định trong Luật cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, công nghệ hiện đại, phức tạp, chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng, gắn với an ninh quốc phòng. Đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 3 cho đồng bộ với Khoản 4 điều 34 cho dự án đồng bộ, siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi.
Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng, cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí để dự thảo Luật chặt chẽ, hoàn thiện hơn nữa.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng, việc xây dựng dự án Luật này đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành.
Quan tâm đến vấn đề áp dụng Luật Dầu khí và các luật có liên quan, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần phải giải quyết được xung đột, chồng chéo trong Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong đó, cần quy định rõ pháp luật nào được áp dụng đối với các nội dung về hoạt động dầu khí, vì điều tra cơ bản về dầu khí, về dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí tương tự như quy định của Luật Dầu khí hiện hành và tinh thần của Luật Đấu thầu theo hướng bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch, quy định rõ pháp luật trong trường hợp hợp đồng dầu khí có sự tham gia của cả nhà thầu nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tránh chồng chéo.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên Biển Đông. Do đó, đại biểu kiến nghị cần có chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Đại biểu cho biết, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… Những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi cho nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phân tích, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc khai thác dầu khí là quá trình rất khó khăn.
Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao.
Bên cạnh đó, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao. Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư lĩnh vực này bằng mọi giá. Về tính cụ thể của dự thảo luật, đại biểu cũng cho biết, một trong những định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật là cần phải bảo đảm được tính cụ thể. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản, nội dung của dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nêu rõ: Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.
Theo đó, đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Khoản 2 Điều 13 thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Như vậy, quy định tại Điều 4 sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí.
Lê Sơn