In bài viết

Miền Tây tập trung ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô

(Chinhphu.vn) - Các tỉnh Tây Nam Bộ đang chủ động các phương án ứng phó với đợt xâm nhập mặn sâu nhất trong mùa khô 2025, nhất là trên các cửa sông Cửu Long, nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

22/02/2025 10:53
Miền Tây tập trung ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô- Ảnh 1.

Cống Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) đưa vào vận hành phòng chống hạn mặn hiệu quả 3 năm qua - Ảnh: VGP/LS

Tập trung giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, lực lượng cán bộ thủy lợi của Sở đang xuống các điểm khống chế mặn, địa bàn xung yếu thường xuyên, vùng sản xuất để theo dõi, đánh giá kỹ lưỡng các tác động của xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Hện nay, độ mặn đang có xu thế tăng cao. Cụ thể, trên sông Cái Bé: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu 14 km tại xã Bình An, huyện Châu Thành; độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 18 km tại xã Minh Hoà, huyện Châu Thành.

Trên sông Cái Lớn: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 36 km (thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao); độ mặn 1‰ xâm nhập sâu khoảng 48 km (xã Vĩnh Hoà Hưng Nam, Gò Quao); trên kênh Cái Sắn: độ mặn 4‰ xâm nhập sâu đến cây xăng dầu Phước Thọ (xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành); độ mặn 1‰ xâm nhập sâu đến cầu Bầu Thì (xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành).

Về kết quả triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và sạt lở, sụt lún đất khu vực vùng đệm U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn cho biết, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án và các giải pháp chỉ đạo ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024-2025 và việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã vận hành hệ thống cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành các cống: Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất của từng khu vực. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn và có biện pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, đã phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động vận hành linh hoạt cống, âu thuyền Vàm Bà Lịch để cắt đỉnh triều trong tháng 1 và 2/2025 (đợt ngày 13-15/1/2025; đợt ngày 30/1-1/2/2025 và đợt ngày 7-10/2/2025).

Để chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai đắp mới, gia cố 29 đập đất (An Biên 20, An Minh 9) ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ Mùa, Đông Xuân 2024-2025 và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.

Miền Tây tập trung ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô- Ảnh 2.

Công trình thủy lợi cống âu Rạch Mọp vừa đưa vào khai thác và phòng chống hạn mặn phục vụ sản xuất cho tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: VGP/LS

Nhiều công trình thủy lợi sớm phát huy hiệu quả

Trong khi đó, báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chiều 21/2 cho hay: Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tháng 3/2025, sau đó có khả năng chuyển sang ENSO trung tính. 

Cụ thể, xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay (ngày 21/2/2025) đã xuất hiện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa khô năm 2023-2024; riêng tại sông Cổ Chiên và sông Hậu xâm nhập mặn đã xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm.

Tại các cửa sông Cửu Long: Ranh mặn 4g/l cao nhất đã xuất hiện từ 42-60 km (tùy từng cửa sông), so với xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm 2023-2024 thấp hơn từ 1-13 km (riêng sông Cổ Chiên cao hơn 2 km) so với năm 2019-2020 thấp hơn từ 8-49 km, so với năm 2015-2016 thấp hơn 5-22 km.

Vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây): Ranh mặn 4g/l đã xuất hiện từ 52-57 km, so xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm 2023- 2024 thấp hơn 43-78 km, so với năm 2019-2020 thấp hơn từ 34-91 km, so với năm 2015-2016 thấp hơn từ 54-71 km và thấp hơn 22-34 km so với trung bình nhiều năm.

Tại sông Cái Lớn, sông Cái Bé, các công trình được đưa vào vận hành nên xâm nhập mặn đã được chủ động kiểm soát.

Trong các đợt triều cường, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-60 km. Tuy nhiên, do thời gian ảnh hưởng ngắn (3-5 ngày triều cường) và trong tháng 1 và tháng 2/2025, khu vực ĐBSCL vẫn xuất hiện mưa trái mùa, các địa phương cũng đã chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi tích trữ nước trước khi mặn tăng cao nên hiện tại các vùng ven biển chưa xảy ra hiện tượng thiếu nước.

Dự báo xâm nhập mặn đến cuối mùa không vùng ĐBSCL, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Từ nay đến cuối mùa khô, ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường, từ ngày 24/2-4/3/2025; 11/3-15/3/2025; ngày 30/3-02/4/2025.

Chi tiết dự báo các đợt xâm nhập mặn như sau: Từ ngày 24/2 đến ngày 4/3/2025 xâm nhập mặn bắt đầu tăng dần theo kỳ triều cường, với chiều sâu dự báo ranh mặn 4 g/l lớn nhất ở các cửa sông Cửu Long trong kỳ triều vào khoảng 45-62 km (dự báo, đây có khả năng là đợt xâm nhập mặn sâu nhất từ đầu mùa khô trên các cửa sông Cửu Long); vùng hai sông Vàm Cỏ, chiều sâu xâm nhập mặn vào sâu từ 65-70 km.

Từ giữa tháng 3 đến hết mùa khô năm 2025, ĐBSCL còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường: từ ngày 11/3 -15/3/2025; từ ngày 30/3-02/4. Trường hợp nguồn nước thượng lưu về hạn chế, chiều sâu xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long ở mức tương đương như trong tháng 2/2025. Đối với vùng hai sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn có thể kéo dài sang tháng 4/2025 nếu khu vực chưa xuất hiện mưa.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo các địa phương vùng ĐBSCL cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong các bản tin dự báo cập nhật của các cơ quan chuyên ngành để có giải pháp quản lý nguồn nước hiệu quả, tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng ngay từ thời điểm này khi độ mặn ngoài sông còn thấp. Khi lấy nước tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả cần kiểm tra chặc chẽ độ mặn ngoài sông.

Đồng thời, rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái, chủ động ứng phó với thời kỳ xâm nhập mặn tăng cao, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Miền Tây tập trung ứng phó xâm nhập mặn đầu mùa khô- Ảnh 3.

Biểu đồ nhận định ranh xâm nhập mặn ĐBSCL năm 2025.

Các địa phương cần chủ động ứng phó hạn mặn

Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện số số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025 về việc về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TPHCM.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025; tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn được chỉ đạo đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2024. Các diện tích cây ăn trái các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, chủ yếu là việc xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

Một số dự án đầu tư xây dựng như, các cống âu Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang), Vàm Bà Lịch (Kiên Giang), Rạch Mọp (Sóc Trăng) đã được đưa vào vận hành và khai thác trong mùa khô 2024-2025, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực.

Theo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng Đề án Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, ngập lụt và nước sinh hoạt để giải quyết tổng thể cả 5 vấn đề của vùng ĐBSCL.

Hiện nay, Đề án này đang được xin ý kiến và tất cả các bộ ngành đã đồng ý. Sắp tới, Chính phủ sẽ ký ban hành Đề án này. Cùng với Quy hoạch vùng ĐBSCL, Quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai quốc gia, Quy hoạch các địa phương và Đề án này, thì chúng ta mới thực hiện được rốt ráo.

Quan điểm của Đề án cơ bản không có gì mới so với Nghị quyết 120 đang thực hiện, hay những vấn đề Trung ương đang chỉ đạo, nhưng có đầu tư trọng tâm trọng điểm và tính toán đầu tư theo quy trình, quá trình để đến năm 2030 chúng ta cơ bản giải quyết dứt điểm vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn cũng như sụt lún… ở vùng ĐBSCL.

Lê Sơn