• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chủ động thu hoạch lúa đông xuân trước đợt xâm nhập mặn sâu nhất

(Chinhphu.vn) - Nhờ chủ động gieo cấy sớm vụ đông xuân 2024-2025 để né hạn mặn, đến nay toàn vùng ĐBSCL đã có thu hoạch được 274.664 ha lúa trước đợt xâm nhập mặn được dự báo là sâu nhất năm 2025 (từ khoảng 24/2 đến 4/3).

21/02/2025 17:34
Chủ động thu hoạch lúa đông xuân trước đợt xâm nhập mặn sâu nhất
- Ảnh 1.

Toàn vùng ĐBSCL đã có thu hoạch được 274.664ha lúa

Xâm nhập mặn tại các cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến 17/2/2025 đã xuất hiện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2023-2024; riêng tại sông Cổ Chiên và sông Hậu xâm nhập mặn đã xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm.

Vụ đông xuân 2024-2025, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được hơn 1,5 triệu ha lúa, nhiều hơn cùng kỳ năm trước khoảng 7.500ha. Diện tích đã thu hoạch đạt 274.664ha, bằng 18,3% diện tích gieo trồng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong các đợt triều cường, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-60 km. Tuy nhiên, thời gian ảnh hưởng ngắn (3-5 ngày triều cường).

Ngoài ra, trong các tháng 1-2/2025, khu vực ĐBSCL vẫn xuất hiện mưa trái mùa, các địa phương đã chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi tích trữ nước vào hệ thống trước khi mặn tăng cao nên hiện tại các vùng ven biển chưa xảy ra hiện tượng thiếu nước. Thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và thiếu nước sinh hoạt chưa được ghi nhận.

Ông Khanh cho biết, các cơ quan chuyên ngành dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ít có khả năng xảy ra thiệt hại, thiếu nước như mùa khô các năm 2023-2024, 2015-2016 và 2019-2020. Cao điểm xâm nhập mặn mùa khô năm nay tại các cửa sông Cửu Long xuất hiện trong kỳ triều cường cuối tháng 2, giữa tháng 3/2025.

Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL là Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh và Sóc Trăng. Các cơ quan chuyên môn cần tích cực theo dõi tình hình nguồn nước để khuyến cáo và có giải pháp về thủy lợi, tích trữ, lấy nước cho bà con hiệu quả nhất.

Cục Thủy lợi cũng đã có tài liệu hướng dẫn tích trữ nước phục vụ cây trồng cạn ở những vùng khó khăn nguồn nước, các địa phương, bà con nông dân có thể tham khảo để áp dụng.

Những năm qua, rất nhiều công trình thủy lợi lớn ở ĐBSCL đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác phục vụ sản xuất và dân sinh. Điển hình là công trình cống Cái Lớn - Cái Bé.

Việc vận hành hệ thống công trình này đã cơ bản kiểm soát được mặn, ngọt, lợ của các địa phương trong vùng hưởng lợi, đặc biệt như Kiên Giang, Hậu Giang. Hai tỉnh này hầu như không phải trích kinh phí để đắp đập tạm, trong khi trước đây năm nào cũng phải đắp rất nhiều đập tạm.

Mới đây, nhiều công trình cũng được đưa vào sử dụng như cống âu Nguyễn Tấn Thành phục vụ điều tiết nước cho tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Cống âu Rạch Mọp ở Sóc Trăng cũng đã được đưa vào khai thác để phục vụ sản xuất dân sinh. Đây là những công trình rất lớn, phục vụ hiệu quả, kịp thời trong ứng phó hạn mặn trong mùa khô.

Bộ NN&PTNT cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025.

Theo đó, các tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đang cung cấp bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn hằng tuần và khi có tình huống đột xuất) để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp.

Đồng thời, tăng cường việc vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, hồ phân tán, khu trũng; lưu ý tại các vùng cây ăn trái bảo đảm tích trữ lượng nước để đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn; đo độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng.

Các địa phương khẩn trương xác định cụ thể khu vực người dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có phương án bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt, tuyệt đối không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Đỗ Hương