In bài viết

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ

(Chinhphu.vn) – Vừa hứng chịu đợt mưa lũ kéo dài, lại tiếp tục đối diện bão số 5 với hoàn lưu mưa liên tiếp trong những ngày tới, các địa phương miền Trung tiếp tục ứng phó khẩn cấp với thiên tai. Sẵn sàng sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

14/10/2022 18:18
Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ - Ảnh 1.

Từ trưa 14/10, khu vực miền Trung có mưa to và rất to trên diện rộng - Ảnh: VGP/Thế Phong

Thừa Thiên Huế sẵn sàng sơ tán hàng chục nghìn hộ dân

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa 14/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, khả năng ảnh hưởng đến các địa phương trên địa bàn tỉnh từ đêm nay.

Từ ngày 14-16/10, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Tổng lượng mưa 500-700 mm, có nơi trên 800 mm. Cấp đội rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết, tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán khoảng 11.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn. Hiện, các đơn vị đang bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét và công tác di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm tại huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông chiều 14/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị các đơn vị, chính quyền địa phương các cấp theo dõi sát diễn biến thiên tai để quyết định thời gian sơ tán sớm hơn theo dự kiến và ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước: Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi, để chủ động sơ tán đến nơi an toàn; nhất là vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Hướng dẫn người dân gia cố bảo đảm an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Chủ động bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị hư hỏng do mưa lũ.

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh chỉ đạo triển khai công tác sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm tại huyện Phú Lộc

Để chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai phương án sơ tán di dời dân dân như sau: Triển khai di dời dân các khu vực sạt lở đất theo các kịch bản, phương án đã duyệt bắt đầu từ 14h kết thúc trước 17h ngày 14/10; triển khai di dời dân các khu vực Phú Lộc, Nam Đông do ảnh hưởng của báo số 5 theo các kịch bản, phương án bắt đầu từ 17h kết thúc trước 19h ngày 14/10; triển khai di dời dân các khu vực ngập lụt, hạ du sông Bồ, sông Hương từ 14h kết thúc trước 16h ngày 14/10. Các khu vực sông khác tùy vào tình hình mưa lũ để chủ động sơ tán dân bảo đảm an toàn.

Trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát công điện yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó mưa lũ; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông.

Rà soát, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng đô thị. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Tổ chức gia cố bảo đảm an toàn cho các khu nuôi thuỷ sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi bảo đảm an toàn; phương án bảo vệ diện tích hoa màu chưa thu hoạch xong.

Chủ động bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Sau mưa lũ tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ - Ảnh 4.

Các địa phương tỉnh Quảng Nam vừa triển khai khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó khẩn cấp với bão số 5, mưa lũ

Khẩn trương triển khai ứng phó với diễn biến thực tế của bão số 5, mưa lũ

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, để bảo đảm an toàn các phương tiện trên tuyến biển, đơn vị đã tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ lúc 5h ngày 13/10. Cập nhật đến trưa nay, tỉnh Quảng Nam còn 37 tàu/1.562 lao động đang hoạt động trên biển, các tàu đã nhận được thông báo về bão số 5.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đối với 17 hồ chứa do Công ty thủy lợi Quảng Nam quản lý, có 10/17 hồ đã đầy nước và tích đạt 100%: Khe Tân, Thạch Bàn, Phú Lộc, An Long, Hương Mao, Đá Vách, Cao Ngạn, Đông Tiển, Hố Giang, Phước Hà; 7 hồ tích đạt trên 60-90%: Phú Ninh, Nước Rôn, Thái Xuân, Trung Lộc, Việt An, Cây Thông, Vĩnh Trinh. Đối với 56 hồ chứa do địa phương quản lý: 39 hồ xấp xỉ và tích đầy nước. Các hồ còn lại hiện nay dưới tràn.

Các hồ thủy điện Sông tranh 2, A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 đang vận hành duy trì mực nước đón lũ thấp nhất theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ - Ảnh 5.

Phố cổ Hội An tiếp tục đối diện với tình trạng ngập lũ trong những ngày tới - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 5 và mưa lũ, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão số 5, mưa lũ trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 12/10/2022 và số 06/CĐ-UBND ngày 14/10/2022.

Rà soát, khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.

Miền Trung khẩn cấp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ - Ảnh 6.

Nước lũ dâng cao gây ngập diện rộng trên địa bàn Quảng Ngãi trong những ngày qua - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển

Chiều 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công điện khẩn về ứng phó bão số 5 (bão SONCA). 

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, bão số 5 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, vùng biển Quảng Ngãi có gió Bắc đến Tây Bắc cấp 8, giật cấp 9-10, biển động, vùng ven biển có gió cấp 6-7, giật cấp 8-9 và khả năng từ ngày hôm nay (14/10) đến ngày 16/10, trên địa bàn tỉnh sẽ có một đợt mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-450 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo tiếp tục cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định. Thông báo, hướng dẫn và yêu cầu các chủ lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn trước 15h ngày 14/10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả neo đậu, tránh trú tàu thuyền trước 17h ngày 14/10.

Kiểm tra, rà soát tất cả các công trình đang thi công, đang tích nước, vận hành trên địa bàn, phải xác định dừng kỹ thuật hợp lý, an toàn công trình và tổ chức sơ tán, di dời ngay toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn. Hoàn thành việc di dời trước 17h ngày 14/10.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết ngăn cấm người dân qua lại khu vực nguy hiểm khi chính quyền đã cắm biển báo, tạm dừng hoạt động đò ngang, không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian mưa, lũ.

Sở GD&ĐT chủ động thông báo cho các cơ quan giáo dục, giáo viên và học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Thế Phong - Lưu Hương