Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo các kịch bản mới nhất của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, các chuyên gia đầu ngành nhận định tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những tỉnh tâm điểm của đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 14-16/10 với tổng lượng mưa 500-700 mm, có nơi trên 800 mm (tương đương với mưa Nam Đông - Phú Lộc đợt vừa qua) thậm chí có nơi 1.000 mm. Rủi ro thiên tai cấp độ 3.
Mực nước sông Bồ, sông Hương lúc 5h sáng 14/10 vẫn dưới báo động 2. Dự báo trong 24 giờ tới, mức nước trên sông Bồ sẽ lên trên báo động 2.
Hiện nay, các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành bảo đảm an toàn. Trong các ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có lệnh tăng cường phát điện qua tuabin, qua tràn để đưa mực nước về mức thấp và sẵn sàng đón lũ.
Có 10 hồ thuỷ lợi nước đang qua tràn, 13 hồ thuỷ điện đang tăng lượng xả, chạy máy.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, tàu thuyền toàn tỉnh đã vào bờ neo đậu an toàn. Các địa phương cũng đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú khi thời tiết xấu.
Tại cuộc họp, để chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất các thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có thông báo ngay trong chiều nay, tất cả học sinh ở vùng thấp trũng nghỉ học. Ngày 15/10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học để ứng phó với mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển.
Có kế hoạch, kịch bản cụ thể để hỗ trợ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.
Tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: Tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Nhật Anh