Sáng nay (14/11), trên 20.000 học sinh ở các bậc học trên địa bàn huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã được cho nghỉ học để bảo đảm an toàn. Hiện tại, mưa lớn vẫn đang tiếp diễn trên địa bàn huyện Sơn Hà.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi đã phát cảnh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên đất khu vực Quảng Ngãi.
Theo đó, trong 24 giờ qua (từ 3h ngày 13/11 đến 3h ngày 14/11) khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Giá Vực 291,8 mm, Ba Điền 256,2 mm, Long Môn 201,6 mm, Sơn Kỳ 174,8 mm, Sơn Tây 240,8 mm, Trà Nham 236,4 mm.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy, hiện trạng độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) tại một số địa phương thuộc các huyện Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây đã đạt trạng thái bão hoà và gần bão hoà trên 85%.
Cảnh báo trong 6 giờ tới các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 100 mm.
Nguy cơ cao có thể xảy ra lũ quét tại các sông, suối nhỏ, ngập các ngầm tràn và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối ở các huyện miền núi: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà…
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng ngày 14/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Ngãi ban hành công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải, Sở NN&PTNT, các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh thiên tai. Sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai công tác ứng cứu khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao bị chia cắt do sạt lở đất dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động đề phòng sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
Rà soát, xây dựng kịch bản chi tiết di dời, sơ tán dân cho các tình huống sạt lở đất, lũ quét, vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập sâu; gửi về Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh trước 11h ngày 14/11. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà và khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang tại các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ.
Tại Quảng Nam, sáng ngày 14/11, trên địa bàn huyện Nam Trà My xuất hiện mưa rất lớn, khiến nhiều tuyến đường giao thông xuất hiện sạt lở, mực nước ở các sông suối dâng cao, chảy xiết.
Theo thông tin mới cập nhật từ UBND huyện Nam Trà My, mưa lớn khiến cho tuyến đường ĐH5 từ Tắc Pỏ vào Trà Mai – Trà Vân – Trà Vinh bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông; ngầm sông Trường (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) bị ngập sâu hơn 1 m khiến các phương tiện không thể lưu thông mà phải đi đường tránh.
Tại địa bàn xã Trà Leng nước lũ trên sông Xoan và sông Leng cuồn cuộn đổ về nên Trạm y tế xã đã chủ động di dời trang thiết bị khám chữa bệnh từ tầng 1 lên tầng 2 để đề phòng ngập lụt, hư hại.
Hiện huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cho 10/10 xã tập trung kiểm tra hiện trạng các khu dân cư, công sở, trường học và sẵn sàng lực lượng để di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có nguy hiểm. Đồng thời huy động phương tiện, máy móc để giải phóng sạt lở trên tuyến ĐH5 để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết trong 24 giờ qua (từ 8h ngày 13/11 đến 8h ngày 14/11), địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Dự báo từ 7h ngày 14/11 đến 7h ngày 16/11, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến như sau: Các địa phương phía bắc tỉnh phổ biến từ 80 - 180 mm, có nơi trên 250 mm; các địa phương phía nam tỉnh phổ biến từ 150 - 300 mm, có nơi trên 450 mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết ngày 13/11, do mưa lớn cục bộ, một số nơi vùng trũng thấp thuộc huyện Đại Lộc bị ngập, có nơi ngập đến 0,6 m, hiện nay nước đã rút.
Tại thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường bị sạt lở bờ sông Vu Gia chiều dài khoảng gần 100 m chiều sâu từ 4-5 m; UBND huyện đã kiểm tra và đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tra bỏ bao cát theo taluy để giữ tạm không cho ảnh hưởng tuyến giao thông đi ra thôn 10 xã Đại Cường.
Hiện nay QL40b bị tắc đường tại ngầm sông Trường Km 62+378, ngầm Nước Oa Km 62+880 do ngập nước sâu từ 0,7 m-1,0 m tại địa phận xã Trà Sơn và xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. QL14H cũng bị tắc đường đoạn qua cầu Khe Rinh (Km 65+402) và cầu Bến Đình (Km 71+410) (huyện Nông Sơn) do nước ngập sâu.
Hiện tuyến Hội An - Cù lao Chàm ngừng vận tải hành khách ra đảo.
Sáng nay (14/11), cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng tiếp tục cảnh báo mưa lớn tại Thành phố.
Trong 24 giờ qua, tại thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa tính từ 7h ngày 13/11 đến 7h ngày 14/11 tại huyện Hoà Vang, quận Cẩm Lệ phổ biến 70-120 mm, có nơi cao hơn như Hòa Bắc 133,8 mm; các quận còn lại 20-60 mm.
Dự báo từ 10h ngày 14/11 đến 10h ngày 16/11 tại thành phố Đà Nẵng có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa tại các quận Cẩm Lệ, huyện Hoà Vang là 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; các quận còn lại 80-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.
Người dân cần đề phòng mưa với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị. Trong cơn dông cần đề phòng có sét và gió giật mạnh.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 24 giờ qua (từ 7h ngày 13/11 đến 7h ngày 14/11), tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to với lượng phổ biến 90-420 mm, một số nơi cao hơn như: Bình Tiến 460, 2 mm, lưu vực thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 464,0 mm và Bình Điền 473,0 mm.
Dự báo từ sáng nay 14/11 đến ngày 17/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 500 mm.
Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai cấp 2. Nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét và sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng miền núi và ven sông suối nhỏ ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy…
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 8h sáng 14/11, mực nước trên sông Bồ trên BĐ2, mực nước sông Hương trên BĐ1. Các hồ Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch đang vận hành điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị rà soát, hoàn thiện kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, sơ tán người dân.
Thế Phong-Lưu Hương