Bộ NN&PTNT cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, từ đầu năm đến ngày 19/2/2024, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Long An và Tiền Giang với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 6.663 con; 69 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 18 tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy là 2.519 con; 7 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Tiền Giang với tổng số 8 con trâu, bò mắc bệnh và 1 con bị chết phải tiêu hủy; 3 ổ dịch lở mồm long móng tại 2 tỉnh Cao Bằng và Hòa Bình với số gia súc mắc bệnh là 117 con, số chết và tiêu hủy là 53 con.
Thông qua kết quả giám sát chủ động, bị động và giải trình tự gen của các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cho thấy, các loại mầm bệnh này còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm tăng mạnh để phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, kết hợp với thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, trong thời gian từ ngày 1-31/3/2024.
Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 7/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; trong đó, tập trung những nội dung sau:
UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của địa phương và UBND các cấp triển khai thực hiện; bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Chính quyền cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật...; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch...
Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.
Cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.
Đỗ Hương