In bài viết

Mở ra triết lý phát triển riêng cho Bắc Kạn với tiềm năng, lợi thế khác biệt

(Chinhphu.vn) - Dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 30/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, phát triển Bắc Kạn nói riêng và toàn vùng trung du-miền núi phía bắc, rút ngắn khoảng cách với các địa phương miền xuôi là nhiệm vụ của không chỉ riêng địa phương, mà là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan và mỗi cá nhân.

30/11/2023 16:14
Mở ra triết lý phát triển riêng cho Bắc Kạn với tiềm năng, lợi thế khác biệt- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, vốn quý con người, các giá trị văn hóa bản địa phong phú, giàu bản sắc, tài nguyên thiên nhiên phong phú là nguồn lực vô giá, bền vững để Bắc Kạn khai thác, phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bắc Kạn, vùng an toàn khu kháng chiến, một trong những nơi khởi nguồn phong trào cách mạng, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh của đất nước.

Đây cũng là vùng đất cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với những danh lam thắng cảnh đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, với hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới; có tỉ lệ che phủ rừng tự nhiên trên 73%, lớn nhất cả nước, thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế xanh như du lịch, sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế lâm nghiệp và sản xuất tín chỉ carbon.

Đặc biệt, tài sản quý báu nhất của Bắc Kạn chính là truyền thống anh hùng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, sự đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, một lòng một dạ đi theo Đảng, của nhân dân các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Ta đi, ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

"Vốn quý con người, cùng với đó là các giá trị văn hóa bản địa phong phú, giàu bản sắc, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chắc chắn sẽ là nguồn lực vô giá, bền vững để Bắc Kạn khai thác, phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nói.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ một tỉnh nghèo, kém phát triển khi tái lập vào ngày 1/1/1997, Bắc Kạn đã phát huy các lợi thế riêng có để phát triển, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần được nâng cao.

Điều đó được minh chứng qua những con số đầy ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 5,4%; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 53% cơ cấu kinh tế; thu hút hơn 700.000 khách du lịch đến với Bắc Kạn và đặc biệt là tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 giảm 2,4%.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Kạn đạt được trong suốt chặng đường đã qua.

"Nhân dân cả nước cảm ơn đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã dũng cảm, anh hùng trong kháng chiến; hăng say lao động, phát triển quê hương, bảo vệ rừng, bảo vệ mái nhà xanh, lá phổi thiên nhiên, nguồn nước cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng", Phó Thủ tướng nói.

Mở ra triết lý phát triển riêng cho Bắc Kạn với tiềm năng, lợi thế khác biệt- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phát triển dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa

Theo Phó Thủ tướng, Bắc Kạn không có nhiều lợi thế so sánh như các địa phương khác về giao thông kết nối, địa hình bị chia cắt, không có quỹ đất cho phát triển các đô thị, khu công nghiệp quy mô lớn.

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên triết lý phát triển kinh tế-xã hội bền vững dựa vào hệ sinh thái, bản sắc văn hóa và sinh kế của người dân và các tiềm năng khác biệt hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn; giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa và cao nhất là mang tới cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Phó Thủ tướng cho biết, trong chuyến khảo sát tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sáng nay, ông có ấn tượng mạnh mẽ về môi trường, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, non nước hữu tình, núi rừng hoang sơ, những bản làng, những nếp nhà lấp ló mang những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc anh em. Đặc biệt nhất là những câu chuyện về đất và người Bắc Kạn một lòng sắt son theo Đảng, theo Bác Hồ kính yêu làm cách mạng; những công trình, tuyến đường mang hoài bão, khát vọng khai phá tiềm năng "đang ngủ yên" của Bắc Kạn.

Đây chính là nội lực to lớn, cùng với tinh thần năng động, đột phá, đổi mới sáng tạo của hệ thống chính trị chắc chắn sẽ quyết định sự thành công trong triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Tập trung cho du lịch, kinh tế rừng và nguồn nhân lực

Chia sẻ về những định hướng đột phá trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, gắn với nông nghiệp.

Thế mạnh thứ hai mà Bắc Kạn cần tiếp tục phát huy đó là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp hiệu quả, bền vững và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu và được các nước đón nhận với số lượng đơn hàng lớn, thường xuyên.

"Tỉnh cần làm tốt phát triển thương hiệu; mở rộng thị trường; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; huy động vốn và thực hiện tốt quy hoạch các vùng sản xuất, chế biến nông sản tập trung để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP", Phó Thủ tướng trao đổi.

Song song với phát triển nông nghiệp, Bắc Kạn cũng cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm, gồm: Dịch vụ sản xuất tín chỉ carbon, điện sinh khối, công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; góp phần đa dạng hóa và cơ cấu lại các ngành sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ các ngành có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Bắc Kạn phải chú trọng thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; tập trung nghiên cứu phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Quan tâm đặc biệt đến nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm hơn 88% dân số của tỉnh) thông qua việc củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú; thực hiện tốt các chính sách thu hút nhân tài, xét tuyển, cử tuyển và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Đồng thời, làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Mở ra triết lý phát triển riêng cho Bắc Kạn với tiềm năng, lợi thế khác biệt- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại hội nghị công bố Quy hoạch - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thu hút đầu tư bằng cải cách đột phá

Nhấn mạnh tính "mở", "chiến lược" và "dài hạn" của Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Kạn khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh để mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới; xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; nhất là cơ chế, chính sách để Bắc Kạn có ưu thế hơn trong thu hút đầu tư, chuyển hoá tài nguyên thành nguồn lực.

Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.

Ưu tiên đầu tư các dự án có tính động lực, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa và trực tiếp phục vụ các định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là về hạ tầng giao thông, mạng lưới cấp điện, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng dịch vụ du lịch; đồng thời giữ được cảnh quan, địa hình, địa mạo, tận dụng tối đa tiềm năng về năng lượng xanh.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Kạn tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, thông qua chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, Bắc Kạn cần thực hiện thật tốt các khâu điều tra, đánh giá, rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư, các công trình hạ tầng nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ quét.

Mở ra triết lý phát triển riêng cho Bắc Kạn với tiềm năng, lợi thế khác biệt- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh Bắc Kạn làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, phát triển Bắc Kạn nói riêng và toàn vùng trung du - miền núi phía Bắc, rút ngắn khoảng cách với các địa phương miền xuôi là nhiệm vụ của không chỉ riêng địa phương, mà là trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan và mỗi cá nhân.

Đó cũng là trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tháng 4/2022, qua vần thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc

Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi, ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

Phó Thủ tướng tin tưởng, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân, Bắc Kạn sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển, "đi sau, về trước", khá so với các địa phương trên cả nước, để:

Hôm nay rời bản về nơi thị thành

Nhà cao chẳng khuất non xanh

Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường

Ngày mai về lại thôn hương

Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về

Ngày mai rộn rã sơn khê

Phố phường như nấm như măng giữa trời

Mái trường ngói mới đỏ tươi

Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng

(trích trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu)

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã trao quyết định đầu tư cho một số dự án trên địa bàn, báo hiệu một sự khởi đầu hết sức tốt đẹp, củng cố niềm tin về một Bắc Kạn phát triển xanh, nhanh, và bền vững trong tương lai.

Minh Khôi