Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH Chi nhánh tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Trong 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP (2002-2022), đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách. Nhờ đó, dòng vốn tín dụng ưu đãi ngày càng đi sâu vào tất cả các phân khúc nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tập trung ưu tiên hỗ trợ người dân ở các địa bàn khó khăn.
Đến 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.741,7 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17,5%/năm với 97.407 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Thông qua vốn tín dụng chính sách đã có 770.016 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt 12.987,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 9.448,5 tỷ đồng; góp phần giúp 87.491 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 59.710 lao động, 114.030 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp xây dựng 489.021 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 4.088 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 290 căn nhà cho người thu nhập thấp; 2.376 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...
Tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 13,44% xuống 9,95%; giai đoạn 2011-2015 từ 8,3% xuống 3,77%, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 5,7% xuống 0,86% và đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo mới là 1,74%.
Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Kết quả giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh trong 20 năm qua có sự đóng góp rất lớn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh; sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; sự tham gia của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định ghi nhận và đánh giá cao tín dụng chính sách xã hội là "điểm sáng" và là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để tỉnh ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Với những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được, tỉnh Nam Định xác định tín dụng chính sách tiếp tục là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2030.
Theo đó, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách.
Gắn việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nâng cao vai trò của tín dụng chính sách với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các cơ quan liên quan chuyển tải nguồn vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, đúng đối tượng.
Tích cực khai thác và huy động các nguồn lực, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng thụ hưởng của các chương trình tín dụng chính sách.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số theo định hướng phát triển của ngành ngân hàng và của NHCSXH Trung ương, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vừa phát triển nhiều dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các đơn vị, tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách; đồng thời tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao qua đó nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn./.