Ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết: Với quan điểm coi kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực, xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phát triển. Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: "DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội".
Bên cạnh đó, tại Hội nghị toàn quốc với DNNN ngày 24/3/2022 về chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa DN, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên.
Lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, khu vực DNNN đóng góp hơn 29% GDP cả nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN), thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của khối DNNN vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế... ", ông Đặng Như Quỳnh nói.
Ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để quản trị tốt cần 7 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, mỗi DNNN phải có mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, tách bạch giữa mục tiêu chính trị xã hội với mục tiêu kinh doanh. Thứ hai, chủ sở hữu Nhà nước cần thực hiện trách nhiệm của mình trên nguyên tắc năng động, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả. Thứ ba, khuôn khổ thể chế và pháp luật cần bảo đảm cho DNNN cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thông thường. Thứ tư, các cổ đông ngoài Nhà nước tại DNNN đa sở hữu phải được đối xử công bằng. Thứ năm, phải có cơ chế bảo đảm quyền của bên lợi ích liên quan, trước hết là người lao động và cộng đồng xã hội chịu tác động từ hoạt động của DNNN. Thứ sáu, DNNN cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về công bố thông tin, kế toán, kiểm toán. Thứ bảy, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý DNNN, trong đó nguyên tắc chủ đạo là bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng quản trị, tổng giám đốc và ban điều hành DNNN.
Thực tế cho thấy, khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tại Việt Nam mặc dù đã hình thành nhưng cần tiếp tục hoàn thiện. Sự hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty trong DNNN chắc chắn đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN khẳng định, cần hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong đó là sửa đổi Luật 69/2014/QH13.
Bên cạnh đó, cần thiết lập một khung quản trị công ty hướng tới đáp ứng các nguyên tắc về quản trị công ty hiệu quả của OECD. Theo đó, Cục Tài chính đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và đưa ra bộ công cụ đào tạo, cũng như cẩm nang quản trị công ty trong DNNN theo thông lệ quốc tế tốt nhất (dành cho công ty TNHH MTV).
Theo đại diện Cục Tài chính DN, tại dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 Cục Tài chính DN đang trình Chính phủ, đặt mục tiêu xây dựng chính sách là tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn Nhà nước như hiện nay.
Theo đó, cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành DN. Bên cạnh đó, tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn Nhà nước, HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc DN gắn với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo DN.
Đồng thời, quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu về kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật.
"Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh và cho phép DN tự quyết định theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao; xem xét thí điểm sử dụng tổng giám đốc nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty; cử thành viên HĐTV độc lập tham gia điều hành. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí", ông Đặng Quyết Tiến nêu quan điểm.
Anh Minh