Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN" do Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới, cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành các cơ chế chính sách về tái cơ cấu DNNN. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách được triển khai hiệu quả thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ rõ các tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành; nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Riêng năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng, tức là cổ phần hóa rất chậm.
Người đứng đầu ngành tài chính phân tích: Việc xác định giá trị DN có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xác định giá trị của DN thường thấp hơn giá trị thực tế, sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị DN chưa chính xác, trong đó có việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường (dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác) là lỗ hổng gây thất thoát. Đó là chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì DN cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, gây thất thoát.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến một số vấn đề sửa Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước vào quản lý sản xuất kinh doanh của DN; phương pháp xác định giá trị DN một cách chính xác; xác định giá trị quyền sử dụng đất, trong đó có việc: Giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị DN khi cổ phần hóa không, hay tính tiền thuê đất trả hằng năm và giữ đúng mục đích sử dụng đất theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trước khi cổ phần hóa, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật...
Có cùng quan điểm về xác định giá trị DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn có thể kéo dài.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại DN vì hình thức sử dụng đất của DN trước và sau khi cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất nên giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Về quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và DNNN, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đánh giá, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa thực hiện đầy đủ trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất và chính sách di dời của Nhà nước, một số địa phương triển khai chậm, một số dự án kéo dài...
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, ông Nguyễn Tân Thịnh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về cổ phần hóa DN đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các DN khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp DN không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DN của Trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương nhằm bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN.
Dưới góc độ DN triển khai cổ phần hoá, ông Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, việc xác định giá trị cổ phần khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN của SCIC đã gặp phải một số vướng mắc. Ông Tuấn cho rằng, việc tách riêng giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử để định giá trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý. SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo bỏ nội dung "Việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hoá, lịch sử) được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính" mà thực hiện theo nguyên tắc thẩm định giá được Bộ Tài chính ban hành.
Anh Minh