Để sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, dự thảo đề xuất 3 chính sách.
Chính sách 1: Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán
Mục tiêu của chính sách nhằm: Nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán (bao gồm trái phiếu ra công chúng, cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngăn chặn hành vi gian lận khi đưa hàng hóa lên thị trường chứng khoán (TTCK). Qua đó, tạo điều kiện cho TTCK phát triển, Chính phủ, các doanh nghiệp có khả năng huy động nguồn lực dài hạn, chi phí phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nội dung của chính sách gồm chuẩn hóa điều kiện chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán; sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng; sửa đổi, bổ sung quy định về công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán.
Giải pháp thực hiện là sửa đổi, bổ sung Điều 11 theo hướng bổ sung đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm. Đối với cá nhân, bổ sung quy định (i) phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; (ii) có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng mỗi năm trong 02 năm gần nhất.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 theo hướng bổ sung ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành;
Sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 32 theo hướng bổ sung quy định công ty không chỉ có vốn điều lệ đã góp mà phải có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên;
Theo Bộ Tài chính, giải pháp này khắc phục được hạn chế, bất cập của thực tiễn, về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; có nhiều tác động tích cực, cụ thể:
Tác động đến kinh tế, xã hội: Giải pháp đưa ra xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách từ thực tiễn như hoạt động phát hành trái phiếu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ phát hành,… nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Giải pháp không làm phát sinh chi phí cho hoạt động quản lý nhà nước, không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp: Giải pháp đẩy mạnh tăng cường tính minh bạch về tình hình tăng vốn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện huy động vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Dự thảo đề xuất Chính sách 2: Tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.
Nội dung của chính sách là luật hóa hành vi thao túng TTCK đảm bảo quy định thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 trong mô tả hành vi được coi là thao túng TTCK, đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn trong xử lý hành vi thao túng TTCK.
Theo đó, dự thảo bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về chứng khoán và TTCK (tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo; cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo; tổ chức tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán; doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá; tổ chức bảo lãnh phát hành, các tổ chức, cá nhân ký xác nhận các tài liệu trong hồ sơ).
Bổ sung Điều 31a sau Điều 31 quy định về đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tương ứng với chào bán chứng khoán ra công chúng.
Bộ Tài chính đánh giá, giải pháp này xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách từ thực tiễn như đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán không tuân thủ quy định pháp luật, xử lý các hành vi thao túng TTCK,… nhằm đẩy mạnh giám sát và hạn chế rủi ro trên thị trường, tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch thị trường. Giải pháp không làm phát sinh chi phí cho hoạt động quản lý nhà nước, không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Dự thảo cũng đề xuất Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng TTCK.
Bộ Tài chính cho biết, để được nâng hạng, TTCK Việt Nam cần tháo gỡ một trong các vướng mắc chính là yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Theo đó, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư trong đó có quy định không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp triển khai trước mắt để đáp ứng tiêu chí nâng hạng và chỉ áp dụng cho giao dịch mua cổ phiếu và đối tượng áp dụng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn, để duy trì thứ hạng cũng như được xếp hạng cao hơn thì Việt Nam cần tiếp tục triển khai giải pháp tháo gỡ các rào cản còn lại cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường, trong đó bao gồm việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về lâu dài để phát triển TTCK an toàn, hiệu quả, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần triển khai các giải pháp mang tính chất dài hạn hơn, một trong các giải pháp đó là hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán trên TTCK trong đó có triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo cơ chế CCP hiện đã được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 1 Quyết định 1726/QĐ-TTg.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh