Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Singapore luôn là đối tác quan trọng và đặc biệt của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính. Về đầu tư, Singapore là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 với tổng số vốn đăng ký đạt gần 5,6 tỷ USD. Về thương mại, Singapore luôn nằm trong nhóm các đối tác xuất nhập khẩu quan trọng với Việt Nam.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Năm 2023, kinh tế Việt Nam, cũng như các nền kinh tế trong khu vực đã trải qua nhiều khó khăn thách thức. Dù vậy, với nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng trên 5%, lạm phát ở mức 3,5%, bội chi và nợ công được kiểm soát tốt, cán cân thương mại được cải thiện
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực với mức tăng trưởng GDP nửa đầu 2024 đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (là 3,84%). Các chỉ số khác về kinh tế đều được cải thiện đáng kể. Trong đó, vốn FDI đăng ký đạt 15,2 tỷ USD tăng 13,1% so với cùng kỳ (vốn FDI từ Singapore chiếm hơn 1/3). Điều này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì chính sách tài khóa linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng, với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tài khóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bội chi và nợ công trong phạm vi quốc hội cho phép. Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, các luật thuế phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính Singapore chia sẻ thêm kinh nghiệm liên quan đến việc hiện đại hoá công tác quản lý thuế, hải quan; các giải pháp bảo vệ an toàn an ninh hệ thống, đặc biệt là các cơ chế chính sách từ phía Bộ Tài chính nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc hiện đại hóa hải quan và thuế và kinh nghiệm phòng tránh rủi ro trong quá trình hiện đại hoá; đề xuất hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý chứng khoán, các sở GDCK, bao gồm niêm yết chéo, niêm yết song hành; và hỗ trợ phát triển sở giao dịch tín chỉ carbon...
Đại diện đối tác, Bộ trưởng thứ hai, Bộ Tài chính Singapore Chee Hong Tat nhấn mạnh trong thời gian tới những lĩnh vực có thể thúc đẩy tác và hướng đến nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện có thể kể đến như: năng lượng, dịch vụ, dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, hai nước có thể thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, các thông lệ tốt, cơ hội đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng thứ hai Chee Hong Tat cho biết, Bộ Tài chính Singapore nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thuế, hải quan và sẽ chỉ đạo, phối hợp các cơ quan của Singapore. Phía Singapore cũng mong muốn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan đối tác của Việt Nam để hướng đến hợp tác cùng có lợi và tạo các cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước.
Đối với đề nghị về chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nhân lực, Bộ Tài chính Singapore rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, tổ chức đào tạo, và chia sẻ những thông lệ tốt nhất trong quản lý, giám sát.
Bộ trưởng thứ hai Singapore cho hay, hàng năm Singapore dành một khoản từ nguồn thặng dư ngân sách để đầu tư và giúp tăng ngân sách cho nhà nước. Khoản quỹ này được quản lý và đầu tư thông qua tập đoàn GIC và Temasek. Chính các khoản đầu tư này đã giúp đem lại thêm nguồn ngân sách cho Chính phủ và lợi ích cho người dân khi Chính phủ không phải tăng các thuế suất đối với người dân và doanh nghiệp.
"Việc Việt Nam đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông vận tải như xây dựng các cảng biển, cảng hàng không, đường xá sẽ tạo thuận lợi trong giao thông, kết nối, giúp ích cho các doanh nghiệp trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra Việt Nam có cơ hội tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi một số chuỗi cung ứng trên thế giới đang bị đứt gãy", Bộ trưởng thứ hai Singapore chia sẻ.
Ngay sau buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết MOU giữa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Theo đó, thay mặt Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, ông Lương Hải Sinh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNX và ông Loh Boon Chye, Tổng Giám đốc SGX đã cùng nhau ký Biên bản ghi nhớ.
Tại Biên bản ghi nhớ này, VNX và SGX mong muốn phát triển các kênh liên lạc nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa các bên để phục vụ cho lợi ích của thị trường chứng khoán Singapore và Việt Nam, bao gồm hợp tác để chia sẻ thông tin về hoạt động và khung pháp lý của các sản phẩm được giao dịch trên thị trường chứng khoán và phái sinh tương ứng của các bên.
Biên bản ghi nhớ này cũng là cơ sở để VNX và SGX có thể tiến hành các cuộc thảo luận và đàm phán tiếp theo nhằm phục vụ cho các mục tiêu cụ thể.
Nội dung hợp tác tập trung vào: Chia sẻ thông tin liên quan đến cấu trúc thị trường trong nước bao gồm khung pháp lý, thông tin thị trường, và dịch vụ cung cấp thông tin; chia sẻ kinh nghiệm về giám sát thị trường, giám sát thành viên trên thị trường chứng khoán, thị trường phái sinh và về khung pháp lý quản lý hoạt động niêm yết chéo; phát triển và thúc đẩy hoạt động quản trị công ty, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm thiết lập các quy tắc và thông lệ quản trị công ty tốt nhất cho các công ty niêm yết và nhà đầu tư tổ chức; hỗ trợ, nâng cao trình độ giám sát việc tuân thủ các quy định về niêm yết của SGX và VNX; quảng bá cho hình ảnh của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và Singapore; dựa trên cơ sở cân nhắc đầy đủ các khung pháp lý liên quan tùy vào thời điểm trao đổi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác bao gồm tiềm năng phát triển sản phẩm và niêm yết trên thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán phái sinh.
Anh Minh