Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh: Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 150 nhà khoa học, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các diễn giả đã đề cập đến các vấn đề khác nhau nhưng đều xoay quanh chủ đề của Hội nghị EROPA năm 2023 là "Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững".
Qua 4 phiên toàn thể và 4 phiên tiểu chủ đề, hội nghị đã được lắng nghe rất nhiều các tham luận, ý kiến của các học giả bàn về nhiều chiều cạnh khác nhau của quản trị công gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Triệu Văn Cường, các tham luận tại hội nghị đã phân tích làm rõ vai trò quan trọng của quản trị công trước mục tiêu phát tiển bền vững. Bối cảnh thế giới sau COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia, trong đó có vấn đề về an ninh lương thực, lao động việc làm… Các nghiên cứu của các diễn giả đã làm rõ sự cần thiết phải có những chính sách đột phá, làm cơ sở cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế. Sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia sẽ là thước đo cho hiệu quả của nền quản trị công.
Một số bài viết của các nhà khoa học đã đặt ra vấn đề tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, khu vực nhằm chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Quản trị công trong bối cảnh mới không thể thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, các nhà nước.
Các đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ các vấn đề thực tiễn trong quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gắn với mỗi quốc gia, trong đó có những chia sẻ, đánh giá về thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực về kinh tế-xã hội thể hiện rõ vai trò của bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương trước yêu cầu phát triển bền vững.
Đặc biệt, các nhà khoa học không chỉ đề cập đến quản trị công với vai trò của Nhà nước, mà còn đề cập đến sự tham gia của nhiều chủ thể khác, đến từ khu vực tư. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các nhà khoa học và các chuyên gia đã phân tích, luận giải nhiều chiều cạnh xung quanh vấn đề quản trị công hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đây sẽ là những khuyến nghị chính sách có giá trị tham khảo cho Việt Nam.
"Một nền công vụ hiện đại, hiệu quả rất cần phải có một đội ngũ nguồn nhân lực chất lực cao, đáp ứng được yêu cầu của nền quản trị số với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn nữa, nguồn nhân lực đó không chỉ có năng lực, trình độ, tầm nhìn chiến lược mà còn cần phải có một tinh thần thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong công việc. Thực tiễn các nền công vụ của các quốc gia đã cho thấy, chừng nào có một đội ngũ nguồn nhân lực khu vực công có chất lượng cao, chừng đó chúng ta sẽ có một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả", Thứ trưởng Triệu Văn Cường nói.
Hội nghị EROPA năm 2023 đã thực sự là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để đông đảo các học giả, các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều quốc gia chia sẻ về các vấn đề của quản trị công, nhìn nhận đánh giá nhiều chiều cạnh của quản trị công gắn với bối cảnh chung của thế giới hiện nay, từ đó đã đề xuất các định hướng, chiến lược, giải pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững đối với các quốc gia.
Phát biểu tại lễ bế mạc hội nghị, TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam cho rằng, EROPA 2023 được diễn ra với sự hiểu biết lẫn nhau và tinh thần hợp tác chặt chẽ, ý chí thống nhất, quyết tâm hiện thực hóa các giá trị của quản trị công hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu đến từ nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế-xã hội khác nhau, với hệ thống công vụ mang đặc trưng lịch sử chính trị, giá trị văn hóa dân tộc, nhưng có chung niềm tin vào quản trị công – chìa khóa thành công của mỗi quốc gia.
Hội nghị đã chia sẻ kinh nghiệm và xác định chiến lược xây dựng năng lực quản trị công hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; nhất trí tăng cường hợp tác và nỗ lực phát huy vai trò của EROPA trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Báo cáo tổng kết hội nghị, TS. Kristoffer Berse, Phó Tổng thư ký EROPA trình bày các điểm chung của các phiên toàn thể.
Theo đó, hội nghị toàn thể 1 nhấn mạnh vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDG); tầm quan trọng của quản trị tốt; cải cách quan liêu như một phương tiện để giải quyết các SDG; hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau, bao gồm chính phủ, học viện và xã hội dân sự, được nhấn mạnh là cần thiết để đạt được SDG; tầm quan trọng của đổi mới và nhu cầu về các giải pháp theo ngữ cảnh phù hợp với những thách thức cụ thể.
Hội nghị toàn thể 2 tập trung thảo luận tầm quan trọng của việc biến các mục tiêu phát triển bền vững thành trọng tâm của các quốc gia và các chương trình của họ; sự lãnh đạo có đạo đức, cải thiện các tổ chức và hệ thống chính phủ và lấy lại niềm tin vào chính phủ; vai trò của các học giả và người thực hành hành chính công; đổi mới và hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp, học viện và các bên liên quan, cũng như đề xuất các giải pháp đổi mới để giải quyết các thách thức và hướng tới các mục tiêu liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Phó Tổng thư ký EROPA, hội nghị toàn thể 3 thảo luận về sự cần thiết phải thích ứng với một thế giới đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (VUCA), đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu và tác động của các sự kiện như COVID-19; tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản trị công để giải quyết các vấn đề toàn cầu và mới nổi, cũng như nhu cầu về năng lực của các chính phủ để giải quyết các vấn đề truyền thống và thế hệ mới; các nguyên tắc then chốt cho sự thành công của chính phủ, chẳng hạn như chế độ nhân tài, tính trung thực; sự cần thiết của việc nuôi dưỡng và giữ chân những công chức giỏi nhất thông qua quá trình đào tạo, đánh giá và thăng tiến dựa trên hiệu suất; vai trò của công nghệ, phương tiện truyền thông mới, việc sử dụng dữ liệu và đổi mới trong việc chuyển đổi chính phủ, cải thiện dịch vụ công và thúc đẩy môi trường ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Hội nghị toàn thể 4 đã thảo luận về ảnh hưởng của nhà nước đến quản trị tốt ở cấp địa phương và những lợi ích tiềm tàng của việc hợp nhất và phân cấp; tầm quan trọng của phát triển khoa học và ra quyết định dựa trên dữ liệu trong quản trị và phát triển; nhấn mạnh vào việc hài hòa các tiêu chuẩn dịch vụ dân sự để bảo đảm chất lượng dịch vụ công; vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong quản lý và an ninh quốc gia; vai trò của phát triển công nghệ, bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số, trong quản trị hiệu quả và xây dựng niềm tin của công chúng đối với chính phủ.
Lê Sơn