In bài viết

Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá

(Chinhphu.vn) – Để hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng thương mại đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo tín dụng tăng trưởng hợp lý, kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định tài chính.

13/02/2025 22:01
Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá- Ảnh 1.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ động thích ứng, ngân hàng mở rộng dư địa tăng trưởng

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát mới đây, đại diện các ngân hàng đã trao đổi về những cơ hội và thách thức và khẳng định quyết tâm sẵn sàng hướng tới mục tiêu chung của Chính phủ và định hướng điều hành của NHNN.

Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá- Ảnh 2.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các ngân hàng thương mại đang triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2025 với nhiều trọng tâm quan trọng.

Đại diện Agribank – ngân hàng thương mại nhà nước với vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13%, tương đương 200.000 tỷ đồng. Ngoài các khách hàng truyền thống, Agribank cũng mở rộng đầu tư vào các dự án trọng điểm như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo và nhà ở xã hội.

Đồng thời, Agribank sẽ cam kết duy trì lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 – 16%, triển khai 17 gói tín dụng trị giá hơn 1 triệu tỷ đồng "rót" vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng và kinh tế số. Đáng chú ý, ngân hàng này cũng dẫn đầu trong tín dụng xanh với dư nợ hơn 83.000 tỷ đồng.

Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá- Ảnh 3.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay: Với tổng tài sản vượt 2 triệu tỷ đồng, lợi nhuận dẫn đầu ngành, ngân hàng này tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống (227%).

Không chỉ dừng lại ở những con số, Vietcombank còn thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách triển khai 14 đợt giảm lãi suất, hỗ trợ gần 110.000 khách hàng với tổng số tiền lãi giảm lên tới 6.500 tỷ đồng; triển khai 22 chương trình cho vay ưu đãi...

Đáng chú ý, Vietcombank chính thức nhận chuyển giao Ngân hàng Xây dựng từ ngày 17/10/2024, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo hoạt động của ngân hàng này diễn ra an toàn, liên tục. Đây là một bước đi quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính, góp phần củng cố sự ổn định của thị trường ngân hàng.

Dưới góc độ là một trong những ngân hàng TMCP tư nhân mạnh, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank khẳng định: TPBank tiếp tục tài trợ mạnh mẽ cho các dự án BOT giao thông, với tổng dư nợ tín dụng đạt gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng tham gia vào chương trình tín dụng xanh và nhà ở xã hội, với cam kết tài trợ 5.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Người đứng đầu TPBank chia sẻ: Ngân hàng luôn có chủ trương 3 giảm là: Giảm lãi suất cho vay (trong năm 2024, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN); giảm thủ tục, áp dụng đơn giản hóa các thủ tục; giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá... Với chiến lược 3 giảm, TPBank vẫn tăng trưởng tín dụng cao, đi đôi với kiểm soát nợ xấu ở mức 1,4%.

"Các ngân hàng nhìn chung có ý thức đồng hành và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn DN. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, quyết tâm của ngành, đồng thời nền kinh tế đã có bước vào một giai đoạn hồi phục thì tôi nghĩ chắc chắn là có thể tăng trưởng tín dụng 16% như NHNN đặt ra hoàn toàn khả thi", ông Đỗ Minh Phú nói.

Đột phá đi đôi với phòng tránh ‘rủi ro’ để phát triển bền vững

Dưới góc độ quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, năm 2025 là giai đoạn cần tăng tốc, đột phá trong điều hành tín dụng. Định hướng tăng trưởng tín dụng được đặt ở mức 16%, với sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến lạm phát và nhu cầu thực tế. Một trong những trọng tâm là khai thác các động lực tăng trưởng, đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tín dụng tiêu dùng và tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu đảm bảo ổn định lãi suất và tỉ giá trong bối cảnh chính sách thương mại của Hoa Kỳ có nhiều thay đổi. Để giảm áp lực lãi suất, lãnh đạo NHNN cho rằng, các ngân hàng cần rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đồng thời tìm kiếm giải pháp thúc đẩy dòng vốn vào nền kinh tế một cách hiệu quả.

Riêng về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo đây là vấn đề cần hết sức chú ý. Do đó, cần khẩn trương luật hóa Nghị quyết 42 để có cơ chế xử lý triệt để, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. NHNN cũng đang nghiên cứu các giải pháp nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tối ưu hóa quy trình cấp tín dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Để hỗ trợ ngành ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng đột phá trong năm 2025, các ngân hàng kiến nghị Chính phủ và NHNN xem xét một số giải pháp như: Bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước: Agribank đề xuất cấp thêm 10.000 tỷ đồng/năm để duy trì tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và các dự án trọng điểm.

Lo ngại "mắc kẹt" trong vòng xoáy nợ xấu nên các ngân hàng đều đồng tình với quan điểm cần Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Từ đó, có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu hiệu quả.

Hầu hết các ngân hàng muốn tham gia thúc đẩy tín dụng xanh, nhưng cũng kỳ vọng cơ quan quản lý cần sớm ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh để ngân hàng có căn cứ cấp vốn, đồng thời thu hút nguồn vốn quốc tế.

Bên cạnh đó, để triển khai các sản phẩm tín dụng số một cách thuận lợi hơn, các ngân hàng cũng đề nghị hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài chính số, có cơ chế chia sẻ dữ liệu dân cư.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong bất động sản. Việc cải thiện thủ tục pháp lý sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.

Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá- Ảnh 4.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định sẽ tập trung vào chiến lược chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro. Chủ tịch Vietinbank đề xuất Chính phủ giãn tiến độ thực hiện quy định nâng CAR nhằm đảm bảo dư địa tăng trưởng tín dụng mà không làm giảm tổng tài sản. Đồng thời, lãnh đạo VietinBank kiến nghị mở rộng hạn mức cho vay đối với các tập đoàn lớn, đặc biệt là các dự án BOT giao thông để có thêm những tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển.

Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank nhấn mạnh vai trò hỗ trợ DN vừa và nhỏ, thúc đẩy tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng bày tỏ quan ngại về những khó khăn trong thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản, vốn là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế.

"Cần có thêm chính sách hữu hiệu tháo gỡ vướng mắc pháp lý để khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, giúp tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn", đại diện VPBank nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định: Ngân hàng sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạ tầng, công nghệ cao và tín dụng xanh. Với thế mạnh về nguồn vốn dồi dào, đặc biệt là nguồn vốn ngoại tệ, Vietcombank sẵn sàng tài trợ hoặc làm đầu mối thu xếp vốn cho các dự án quốc gia quan trọng như năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông và cảng biển.

Ngân hàng nỗ lực vượt thách thức, sẵn sàng cho năm tăng tốc bứt phá- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo ngân hàng này bày tỏ mối quan tâm đến phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với từng nhóm khách hàng, bao gồm DN lớn (Large-corp), DN vừa và nhỏ (SMEs), hộ kinh doanh và cá nhân. Đối với các khoản vay cá nhân nhỏ lẻ, Vietcombank đang phối hợp với các đối tác fintech để triển khai mô hình cho vay trực tuyến, sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia và phân tích hành vi khách hàng nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, lãnh đạo Vietcombank cũng cam kết đẩy mạnh các chương trình cho vay ưu đãi, với lãi suất thấp hơn thị trường từ 1-2%, giúp kích thích đầu tư và tiêu dùng. Đồng thời, ngân hàng sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, tinh giản thủ tục, ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, Big Data và RPA để nâng cao hiệu suất hoạt động.

"Trong năm 2025, Vietcombank không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà còn cam kết đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ngân hàng cũng mong muốn có sự hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN trong việc ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy tín dụng xanh, đơn giản hóa thủ tục pháp lý và phát triển hệ sinh thái tài chính số", lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh.

Đại diện các ngân hàng kỳ vọng, thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN cùng với nỗ lực từ các ngân hàng thương mại, hệ thống tài chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo ổn định và hỗ trợ DN, người dân vượt qua thách thức.

Huy Thắng