In bài viết

Ngành dệt may: Chuyển đổi để thích ứng trong khó khăn

(Chinhphu.vn) - “Tôi tin rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành dệt may vẫn thích ứng được, dù rằng quý IV sẽ khó khăn, thậm chí khó khăn còn có thể kéo dài đến quý I/2023”.

02/10/2022 16:59
Ngành dệt may: Chuyển đổi để thích ứng trong khó khăn - Ảnh 1.

Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: May 10

Đây là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khi đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Lạm phát khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Ông Giang cho biết nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt, tuy vậy bước vào quý III/2022 thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng rõ rệt. 

Nguyên nhân là các thị trường lớn là Mỹ và EU… lạm phát cao khiến người dân giảm chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều. Ngoài ra, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống COVID-19, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Một báo cáo phân tích về ngành dệt may được VNDirect Research công bố gần đây cũng nhận xét rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Cũng theo báo cáo này, ban lãnh đạo các công ty may mặc cho biết khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. 

Hiện chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn như Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK), Công ty cổ phần Damsan (ADS) có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong quý IV/2022 chậm lại do lo ngại về lạm phát.

Tại thị trường EU, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho biết đơn hàng của doanh nghiệp này đã giảm hơn 30%.

Yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may từ các FTA

Đặc biệt, tình trạng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tại Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng, có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ đã bị cơ quan Hải quan Mỹ giữ lại để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA).

Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, Hải quan Mỹ có quyền giữ hàng trong vòng 5 ngày để kiểm tra và trong vòng 30 ngày doanh nghiệp phải cung cấp đủ các chứng từ liên quan đến chuỗi cung ứng để chứng minh nguồn gốc lô hàng không có xuất xứ từ bông Tân Cương (Trung Quốc).

Doanh nghiệp thay đổi để thích ứng

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Vũ Đức Giang cho rằng các doanh nghiệp dệt may đã rất nỗ lực để thích ứng với những thách thức của thị trường. 

Đơn cử như việc hiện nay xuất khẩu ngành dệt may không còn chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.

Đặc biệt, đối với thị trường EU, nếu như trước đây dệt may Việt Nam chỉ tập trung vào một số nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, thì nay đã xuất khẩu vào 26/ 27 quốc gia ở EU. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch tầm nhìn, mô hình hoạt động sang các nước như châu Phi, Mexico…

Doanh nghiệp ngành cũng thích ứng rất nhanh khi chuyển dịch đầu tư vào công nghệ và tự động hóa và thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi.

Bên cạnh đó, khi đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, doanh nghiệp đã sắp xếp lại giờ làm, không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để đảm bảo việc ổn định cho người lao động.

“Tôi tin rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp ngành dệt may vẫn thích ứng được, dù rằng quý IV này sẽ khó khăn, thậm chí khó khăn còn có thể kéo dài đến quý I/2023”, ông Vũ Đức Giang nhìn nhận.

Dự báo về triển vọng của ngành dệt may, theo VNDirect Research, ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong quý I/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo FTA này, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023. Lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu com-lê, áo sơ mi, quần và váy sang châu Âu như May Sông Hồng, May 10, Việt Tiến… sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. 

Phan Trang