Chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ có nhiều doanh nghiệp (DN) về công nghệ viễn thông, công nghệ số. Vì vậy, tham gia buổi làm việc, Bộ TT&TT mời một số doanh nghiệp liên quan đến để lắng nghe, đồng thời cũng là cơ hội để trao đổi thông tin nhiều chiều, bởi các doanh nghiệp là những thành phần đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra một số ví dụ của các nước trên thế giới về khái niệm, lộ trình thực hiện CNH, HĐH, từ đó đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu, chắt lọc, chọn lọc để đưa vào chủ trương, chính sách của Việt Nam phù hợp.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Bộ (Bộ TT&TT) xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.
Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ Biên tập, Bộ TT&TT cũng đã hoàn thành 2 báo cáo và 2 chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng Đề án.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao nội lực của nền kinh tế, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghê; chú trọng ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp số trong nước lớn mạnh.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển kinh tế số, trọng tâm là công nghiệp công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghệ số trên thị trường toàn cầu…
Trong đó có một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về công nghiệp công nghệ số; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là tự động hóa, thông minh hóa và xanh hóa ngành công nghiệp; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ số và sản xuất công nghiệp…
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ TT&TT đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thể chế hóa cơ chế, chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ TT&TT và các bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham gia trực tiếp vào các hoạt động để xây dựng Đề án bảo đảm chất lượng cao nhất.
Anh Minh