In bài viết

Nhiều yếu tố gây áp lực cho kiểm soát lạm phát

(Chinhphu.vn) - Ngày 15/7, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo: "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo bộ, ngành.

15/07/2022 18:52
Dư địa lạm phát không còn nhiều nhưng vẫn trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Các chuyên gia nhận định: Mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, nhưng dư địa không còn nhiều - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Điểm  tích  cực  trong  cơn  bão  lạm  phát  thế  giới

Chủ tịch VFCA Lê Long Giang cho rằng, kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhưng vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát đang tăng kỷ lục khắp các nền kinh tế trên thế giới, vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề.

Lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.

"Ở Việt Nam, về cơ bản các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào, các giải pháp của Chính phủ về quản lý, điều hành về bình ổn giá, hạn chế biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển xã hội", ông Lê Long Giang nhận định.

Phân tích về mối quan hệ giữa giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ và lạm phát trong nước,TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng được tính toán dựa trên giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân và cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Hiện nay, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tiêu dùng của Việt Nam gồm 752 mặt hàng thuộc 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính.

Nhìn chung, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều có mối quan hệ chặt chẽ với CPI, tuy nhiên ở Việt Nam có những điểm khác biệt so với một số nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là Mỹ.

TS Nguyễn Bích Lâm dự báo, mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, nhưng dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, tạo áp lực lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó tạo áp lực lên lạm phát. Đồng thời, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), điểm tích cực của kinh tế Việt Nam, về phía cung, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ở mức bình thường, thấp hơn một chút so với năm ngoái. Công nghiệp tăng trưởng ở mức tốt. Lĩnh vực dịch vụ phục hồi rất tốt và đã trở về gần với trạng thái trước dịch COVID-19.

Về phía cầu, các lĩnh vực như xuất khẩu, đầu tư tiêu dùng đều có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chương trình phục hồi triển khai chậm, như các gói đầu tư công. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới triển khai tốt hơn.

Tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ về trạng thái trước dịch, xuất khẩu cũng vậy. FDI có phần giảm. Về FDI, việc Trung Quốc thực hiện "chính sách Zero Covid" mang lại điểm tích cực và tiêu cực. Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không thì cần phải nói thêm.

Dự báo các kịch bản

TS Cấn Văn Lực nhận định, các dự báo gần đây cho rằng tăng trưởng kinh tế ở mức 6-7% là khả thi. "Chúng tôi cũng có các kịch bản. trong đó kịch bản cơ sở có mức tăng trưởng là 6,8%-7,1%. Nếu tình hình tốt hơn thì tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn một chút, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tốt hơn là khó. Nguyên nhân vì lạm phát đang bùng lên, nhiều quốc gia phải tăng lãi suất", vị chuyên gia này nhận định.

Các rủi ro, thách thức chính trong năm 2022 là lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (vẫn trong tầm kiểm soát), giải ngân đầu tư công chậm, doanh nghiệp còn gặp khó, nhân sự khó khăn.

Trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó tất cả lãi suất của các quốc gia đều đi lên, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống vì họ muốn phục hồi, kích cầu. Thậm chí trong quý vừa rồi họ cũng mới giảm thêm lãi suất cơ bản.

"Về lạm phát tại Việt Nam, chúng tôi thấy có mấy điểm: Một là có độ trễ hơn so với quốc tế; hai là lạm phát cơ bản tăng thấp, 1,25%, cơ bản hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Chúng tôi kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn một chút, có thể là 15%. Nếu chúng ta chỉ kiên định 14% thì chương trình phục hồi kinh tế sẽ khó thực hiện hơn", TS Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới: Một là giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh, hai là bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ba là một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh (giá điện không tăng, viện phí không tăng dồn dập vào một thời điểm), bốn là NHNN điều hành linh hoạt công cụ chính sách (hút khoảng 135.000 tỷ đồng), năm là cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm.

Vị chuyên gia này cho rằng, áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hóa thế giới còn tăng và còn có nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Ở chiều ngược lại, các yếu tố chính hỗ trợ kiềm chế đà tăng của lạm phát thứ nhất là kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hoá, xăng dầu thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hóa, xăng dầu trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả. Thứ hai là tỷ giá và lãi suất kỳ vọng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần kiềm chế đà tăng giá. Thứ ba là sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và giá cả. Cuối cùng là việc truyền thông được chú trọng.

Về cơ hội đối với chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc kinh tế phục hồi thì chứng khoán sẽ tốt lên. Đặc biệt là việc chu kỳ T+2 được triển khai, giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn cùng với việc doanh nghiệp niêm yết phục hồi khá, tăng 20-24% là cơ hội đối với thị trường chứng khoán.

"Chúng ta bây giờ phải đầu tư dài hơi hơn. Giữa các kênh đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng, USD, đối với đầu tư cổ phiếu, hiện giờ không phải là cuộc chơi ngắn hạn mà là chạy đường dài", TS Cấn Văn Lực nhận định.

Anh Minh