• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

HSBC giảm nhẹ dự báo lạm phát của Việt Nam

(Chinhphu.vn) - HSBC Global Research hạ dự báo về lạm phát Việt Nam từ 3,7% xuống 3,5%.

16/06/2022 13:44
HSBC giảm nhẹ dự báo lạm phát của Việt Nam - Ảnh 1.

HSBC Global Research hạ dự báo về lạm phát Việt Nam từ 3,7% xuống 3,5%

Đây là nội dung đáng chú ý trong báo cáo mới nhất của HSBC Global Research. Theo báo cáo, sau một năm yên ắng so với các nơi khác trên thế giới, đầu năm nay, áp lực giá tại các nền kinh tế ASEAN đã tăng lên đáng kể. Trong đó, nguyên nhân đến từ giá năng lượng và thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu so với các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines thì Việt Nam nằm trong nhóm được đánh giá là dễ thở hơn với "lạm phát vẫn tương đối trong tầm kiểm soát".

HSBC Global Research cho biết, lạm phát giá năng lượng tại Việt Nam cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao vượt lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần.

"Tất cả các nền kinh tế đều trải qua tình trạng giá thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loạt thịt khác lên, ví dụ như thịt gà. Có thể thấy, tình hình ở Việt Nam tốt hơn. Giá thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng giá năng lượng tăng, giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo", HSBC phân tích.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn. Từ tháng 1/2022, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam là Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3. Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế.

Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý II. Trong khi đó, kể từ 1/4, Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700 đồng đến 1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác.

Với áp lực thứ hai đến từ nhóm thực phẩm, HSBC Global Research cho biết, tương tự các nước, Việt Nam cũng trải qua tình trạng tăng giá. Dù vậy, nếu so sánh, tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, theo đánh giá của HSBC Global Research, mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng hóa cơ bản tại Việt Nam không quá nhiều. Việt Nam được giảm nhẹ mức dự báo lạm phát toàn phần trong năm 2022, từ 3,7% xuống còn 3,5% - dưới mức mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cũng lưu ý, khi tình huống giá năng lượng cao và kéo dài, đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời.

"Nếu tình hình diễn biến phức tạp, NHNN có thể phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất 3 lần (mỗi lần 25 điểm cơ bản) trong năm 2023", HSBC Global Research nhận định.

Nhận định này tương tự với đánh giá của các tổ chức quốc tế khác về lạm phát ở Việt Nam. Trước đó, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, lạm phát tại Việt Nam tuy nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Chính phủ. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, dự báo lạm phát sẽ tăng sát ngưỡng mục tiêu, đạt 3,9% về cuối năm.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, Việt Nam tự chủ được lương thực thực phẩm - nhóm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn các nước.

Trao đổi với báo chí, Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đã phân tích hiện nay tình hình còn khó khăn, nhất là vấn đề lạm phát. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị quốc tế nhiều nơi khá căng thẳng. Nhiều hiện tượng hiếm khi xảy ra như lạm phát ở Mỹ lên tới 8,6%, Anh 9%, Hàn Quốc 5,4%, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 73%... nên chúng ta cần lường trước những bất lợi trong thời gian tới.

Sau thời gian trầm lắng do dịch, khi nền kinh tế khôi phục, bối cảnh lạm phát chung cần hết sức thận trọng. NHNN phải cân đối nhiều yếu tố, vòng quay đồng tiền, tín dụng, tỉ giá… Theo số liệu mới cập nhật của Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng, chỉ số CPI tăng 2,25%, trong đó lạm phát cơ bản là 1,1%, còn lại chủ yếu CPI tăng do biến động giá cả một số mặt hàng như xăng dầu…

"Tuy nhiên, NHNN đánh giá, tình hình tài chính tiền tệ trong 6 tháng đến nay nhìn chung là ổn định, tuy nhiên sức ép lạm phát là hiện hữu", lãnh đạo NHNN lưu ý.

Anh Minh