Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Đoàn Kiểm tra cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh, ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Đoàn Kiểm tra đánh giá cao những kết quả của Sở GD&ĐT đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính.
Ông Võ Minh Trung đề nghị Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, đặc biệt là xã hội số liên quan ngành GD&ĐT.
Sở GD&ĐT nỗ lực nâng tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, tỉ lệ số hóa hồ sơ, thực hiện tốt công khai minh bạch trong cải cách hành chính… Qua đó, đồng hành cùng tỉnh tiếp tục cải thiện và nâng cao các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR INDEX), Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.
Hiện toàn ngành GD&ĐT tỉnh Kiên Giang thực hiện 125 thủ tục hành chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). 6 tháng đầu năm 2023, Sở GD&ĐT thực hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống 247 hồ sơ, đạt 100%. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến 205/247 hồ sơ, đạt 82,9% (đạt yêu cầu so chỉ tiêu được giao). Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn 208/209 hồ sơ, đạt 99,5%; tỉ lệ hồ sơ đang giải quyết còn trong hạn 14/14 hồ sơ, đạt 100%; còn 24 hồ sơ được trả lại không đạt yêu cầu. Tỉ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính 161/247, đạt 65,18%.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Mai Thanh Bình, Trưởng phòng Cải cách hành chính và tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang) đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành GDĐT tỉnh tập trung tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính. Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch về công tác cải cách hành chính năm 2023 với 35 nhiệm vụ và đã hoàn thành 24/35 nhiệm vụ (chiếm 68,57%).
Báo cáo của Sở GD&ĐT cho biết, toàn ngành tập trung tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2023 của đơn vị. Các hoạt động cải cách hành chính nói chung là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lãnh đạo các đơn vị đã tập trung quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xúc tiến việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chín; thực hiện đúng yêu cầu, đảm bảo thời gian ban hành các kế hoạch theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sở GD&ĐT đã duy trì công tác phân công cán bộ công chức phụ trách công việc; cập nhật, rà soát thủ tục hành chính; tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; từng đơn vị quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Phần mềm quản lý văn bản được triển khai đến 100% các cơ sở trực thuộc. Việc trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh đạt hiệu quả cao.
Tỉ lệ giải quyết dịch vụ công mức độ 4 toàn trình tiếp tục được chuyển biến tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, việc thực hiện kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công giáo dục chưa thực hiện theo khung thời gian tại Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 23/2/2022 của UBND tỉnh do Bộ GD&ĐT chưa ban hành.
Triển khai thực hiện đầu tư công chậm tiến độ giải ngân so với kế hoạch đề ra, do nguồn vốn bố trí cho 2 dự án đang trình thẩm định triển khai sau thiết kế cơ sở chiếm hơn 30% tổng kế hoạch. Một số dự án đang trong thời gian trình phê duyệt quyết toán nên chờ quyết định phê duyệt quyết toán của cơ quan tài chính để thanh quyết toán. Hiện Sở GD&ĐT cũng khẩn trương đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ để triển khai các dự án đồng thời giải ngân vốn đạt kế hoạch đề ra.
Về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Sở GD&ĐT xác định, tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính của ngành theo kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước và vào hoạt động cải cách hành chính theo kế hoạch đề ra.
Tập trung rà soát các văn bản pháp lý có liên quan theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 23/2/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong đó, tập trung triển khai công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; tham gia tập huấn và tổ chức thực hiện về đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công do Bộ GD&ĐT (nếu có).
Triển khai thực hiện kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công giáo dục theo Đề án của Bộ GD&ĐT.
Tập trung thực hiện giải ngân đầu tư công so với kế hoạch đạt yêu cầu; xúc tiến thực hiện nội dung về định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành; về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tiếp tục xúc tiến công tác truyền thông; phổ biến rộng rãi các bản tin cải cách hành chính điện tử của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ban hành; tổ chức Cuộc thi truyền thông cải cách hành chính năm 2023 theo kế hoạch.
Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức năm 2023; triển khai Đề án thi nâng ngạch công chức năm 2023.
Việc trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua trục liên thông văn bản của tỉnh Kiên Giang. 6 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử gửi đi trên môi trường điện tử chiếm 97,32%, số lượng văn bản điện tử nhận trên môi trường điện tử chiếm 81,35%.
LS