Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chỉ số SIPAS là một bộ chỉ số mà trong đó không chỉ gồm các chỉ số phản ánh tỷ lệ người dân hài lòng mà còn gồm các chỉ số phải ánh nhận định, đánh giá và nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại các cấp ở tất cả các địa phương trong cả nước.
Thực hiện mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi tắt là Chỉ số SIPAS) hàng năm.
Chỉ số SIPAS của tỉnh Kiên Giang mà Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ công bố hàng năm kể từ năm 2017 - 2021 ở mức khá thấp và thấp, về cả giá trị và vị trí so sánh 63 tỉnh, thành. Cụ thể, Chỉ số hài lòng của người dân của tỉnh Kiên Giang năm 2017 là 80,13, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành; năm 2018 là 80,35%, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành; năm 2019 là 78,73%, đứng thứ 56/63 tỉnh thành; năm 2020 là 79,72%, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành và năm 2021 là 83,88%, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành. Các chỉ số thành phần phản ánh các nội dung cụ thể của toàn bộ quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công ở các cấp địa phương cũng ở các mức tương ứng. Chỉ số SIPAS nói trên cho thấy kết quả, chất lượng phục vụ người dân của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh chưa cao và thậm chí còn ngày cảng giảm sút.
Năm 2022, tính đã có những nỗ lực đột phá và đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Điển hình phải kể đến hội nghị do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, mời các chuyên gia phân tích, đánh giá thực tế và khuyến nghị các giải pháp đối với tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện các Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hải lòng của tỉnh.
Nhờ đó, Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công bố ngày 19/4/2023 không chỉ chấm dứt đà sụt giảm, tụt hạng của tỉnh mà còn tăng mạnh so với Chỉ số SIPAS của các năm trước đó. Theo kết quả công bố, Chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2022 là 80,10%, đứng thứ 24/64 tỉnh, thành, trong đó, mức độ hài lòng của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 83,07%, đứng thứ 20/63 tỉnh thành và mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách là 79,13%, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành.
Đây là kết quả đáng mừng của tỉnh Kiên Giang trong nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong năm 2022. Kết quả này là tất yếu, nhờ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sự quan tâm, bố trí nguồn lực từ lãnh đạo các cấp; sự đổi mới, sáng tạo, tích cực của cơ quan tham mưu; sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và sự ủng hộ, tham gia của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân ở địa phương. Tuy nhiên, để Chỉ số SIPAS của tỉnh bền vững, thực sự mang lại kết quả, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước của tỉnh thì tỉnh còn rất nhiều việc phải tiếp triển khai.
Thứ nhất, lãnh đạo các cấp cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và quan tâm, bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác cải cách hành chính nói chung, nâng cao chất lượng phục vụ người dân nói riêng. Kinh nghiệm của tỉnh năm 2022 và kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho thấy công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân được thực hiện hiệu quả, mang lại kết quả, tác động tích cực chỉ khi có sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Thứ hai, Cơ quan Thường trực cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực, đổi mới sáng tạo trong tham mưu và tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan, các cấp, các ngành để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và báo cáo việc triển khai, kết quả triển khai cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của tỉnh phải đảm bảo vừa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, vừa phù hợp với đặc thù của địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu, mong đợi của người dân ở địa phương và đồng thời bắt kịp với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cần thường xuyên, liên tục nghiên cứu, học tập, nâng cao nhận thức về quy chuẩn chất lượng đối với công chức trong thực thi công vụ, phục vụ người dân theo yêu cầu của cải cách hành chính của Chính phủ nói chung và của địa phương nói riêng; phải xây dựng cho mình kỹ năng, văn hóa, đạo đức công vụ trong phục vụ người dân theo hướng lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân. Cán bộ, công chức, viên chức là những người trực tiếp dự thảo, tổ chức thực hiện chính sách và trực tiếp cung ứng dịch vụ công cho người dân do vậy hơn ai hết, đội ngũ này cần phải có nhận thức đầy đủ và luôn luôn tư duy và hành động theo hướng lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Thứ tư, các cơ quan hành chính nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, các hội, các đoàn thể…. trong tổ chức triển khai các hoạt động cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và thông tin, tuyên truyền về việc triển khai, kết quả triển khai đó cho toàn thể người dân ở địa phương. Việc xây dựng một nền hành chính phục vụ chỉ thành công khi có sự ủng hộ, tham gia của người dân và toàn thể xã hội.
Th.S Nguyễn Thị Thu Hằng (Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ)