Đây là ý kiến của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Toạ đàm "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025" do Hiệp hội doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và VCCI phối hợp tổ chức chiều 9/7 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hoá" các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan trong "phát triển logistics xanh" gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...
Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch.
Đại diện VCCI kỳ vọng Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng các-bon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…
Ở góc độ DN, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: VLA đã thành công giành quyền đăng cai tổ chức Đại hội thường niên Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải thế giới 2025 - FIATA WORLD CONGRESS 2025.
Logistics xanh cũng là chủ đề chính của sự kiện FIATA WORLD CONGRESS 2025, "Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh", phản ánh tầm nhìn và cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một ngành logistics bền vững, thân thiện với môi trường, và có khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường toàn cầu.
"Đây không chỉ là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay mà còn là xu hướng tất yếu cho sự phát triển lâu dài của ngành", Chủ tịch VLA khẳng định.
Ông Turgut Erkinsken, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) nhấn mạnh: Chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn, xanh hơn là mục tiêu quan trọng được FIATA đang hướng đến.
Theo ông Turgut Erkeskin, khi di chuyển từ một vùng lãnh thổ này sang một vùng lãnh thổ khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác có nghĩa là phải qua đến hai quy trình hải quan khác nhau. Nếu như tất cả các hệ thống hải quan của chúng ta là đồng nhất sẽ dễ nhưng nếu hai hệ thống hải quan khác nhau thì lại là câu chuyện khác. "Vậy nếu có thể dùng số hóa để giải quyết vấn đề mà hai hệ thống hải quan trọng song song cùng một lúc đó quả là một ý tưởng tuyệt vời", ông Turgut Erkeskin nói.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLC cho biết FIATA World Congress (FWC) 2025 hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng ngành Logistics Việt Nam.
"Xanh và Thích ứng nhanh" là 2 thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị và các yêu cầu ngày càng tăng về "xanh hóa" nhằm giảm phát thải từ các quốc gia trên toàn cầu.
Hiện nay, ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26.
Phó Chủ tịch VLA cũng kỳ vọng, sự kiện sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cũng như nâng tầm ngành logistics và nền kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, triển lãm tại FWC 2025 sẽ có 126 gian hàng cho các DN giới thiệu dịch vụ, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực logistics với bạn bè quốc tế.
Ông Stéphane Graber, Tổng giám đốc FIATA cho biết, sự kiện có sự tham gia của hơn 1200 DN, đến từ hơn 80 quốc gia hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, giao nhận hàng hóa, kho bãi, vận chuyển, xử lý, vận chuyển, mua sắm, đổi mới và công nghệ, với hơn 50 chuyên gia hàng đầu từ các tổ chức quốc tế như WTO, UN, WCO, ICAO, ICC cũng như các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực họ hoạt động.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng. Đây vẫn là bài toán khó và thách thức với các DN. Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Các DN có thể tìm cách thức tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Western Pacific Group (WPG) chia sẻ, DN đang áp dụng tại Việt Nam mô hình cụm liên kết ngành KCN logisctic. Từ góc nhìn nhà vận hành logistics, tôi xin nêu một vài ý kiến về vấn đề phát triển logisctic đồng bộ.
Với 90% DN trong ngành là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Câu hỏi thường thấy là áp dụng logistics xanh có tốn kém không?
"Theo tôi, đây lại là cơ hội bây giờ hoặc không bao giờ. Các DN nếu chưa có điều kiện chuyển đổi nhiên liệu tốn kém hơn thì có thể áp dụng tối ưu hóa các giải pháp.
Trong logistics Việt Nam thì trên 50% là chi phí vận tải dẫn tới lượng khí thải rất lớn. Trong nhiều giải pháp thì có một số giải pháp giảm tỷ lệ khí CO, hoặc tối đa hóa năng lượng tái tạo. Đối với nhà vận hành KCN, ngoài việc tiết kiệm nhiên liệu thì chúng tôi kiến nghị một giải pháp mang tính vĩ mô, đó là sự quy hoạch đồng bộ. Sự đồng bộ giữa nhà sản xuất và các trung tâm logistics sẽ giúp chúng ta tối ưu hóa chặng đường vận tải. Trong giải pháp này, sự điều tiết của Chính phủ là vấn đề quan trọng nhất và rõ ràng nhất.
Anh Minh
Tham khảo thêm