Một trạm kiểm soát biên giới giữa Campuchia và Thái Lan - Ảnh: AFP
Với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã kêu gọi Thái Lan và Campuchia "hạ nhiệt" tình hình. Phát biểu với báo giới tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Anwar Ibrahim bày tỏ hy vọng hai bên có thể tiến tới đàm phán, đồng thời khẳng định: "Giải pháp duy nhất lúc này là hòa bình".
Nhà lãnh đạo Malaysia cũng nói rõ ông đã gửi thông điệp tới cả Thủ tướng Campuchia và quyền Thủ tướng Thái Lan, cũng như có kế hoạch tiến hành điện đàm với hai nhà lãnh đạo này trong tối 24/7.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: "Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam cũng như cùng là thành viên ASEAN. Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực".
Tại Vientiane, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lào đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng dọc biên giới Campuchia – Thái Lan. Khẳng định Lào là quốc gia hàng xóm láng giềng có chung đường biên giới và quan hệ tốt đẹp với cả Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn này nói rằng Lào khuyến nghị cả hai bên nên kiềm chế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh một cách hòa bình.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) bày tỏ hy vọng Thái Lan và Campuchia có thể giải quyết căng thẳng tại biên giới hai nước thông qua đối thoại và tham vấn.
Phát biểu tại họp báo, ông Farhan Haq - Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ - nêu rõ Tổng Thư ký Guterres đang theo sát các thông tin liên quan đến tình trạng căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi "hai bên thể hiện kiềm chế tối đa và giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại trên tinh thần láng giềng hữu nghị nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp".
Cùng ngày, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott ra tuyên bố cho biết Washington "kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch, bảo vệ dân thường" và giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.
Ngày 24/7, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tuyên bố tình hình tại khu vực biên giới giữa nước này và Campuchia vẫn đang ở trạng thái nhạy cảm và cần được xử lý thận trọng, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố kêu gọi Campuchia chấm dứt các hành động mà Bangkok cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh Thái Lan "sẵn sàng tăng cường các biện pháp tự vệ" trong trường hợp căng thẳng biên giới leo thang.
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư tới Đại sứ Asim Iftikhar Ahmad - Đại diện thường trực của Pakistan tại LHQ và Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tháng 7/2025, trong đó yêu cầu HĐBA họp khẩn cấp về tình hình căng thẳng biên giới Campuchia - Thái Lan.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong thư, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ quan ngại về các vụ đụng độ xảy ra tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear của Campuchia. Nhà lãnh đạo Campuchia đề nghị HĐBA LHQ triệu tập họp khẩn để ngăn chặn căng thẳng leo thang và yêu cầu lưu hành bức thư này như một tài liệu chính thức của HĐBA LHQ.