• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Diễn biến mới xung quanh quan hệ ngoại giao Campuchia – Thái Lan

(Chinhphu.vn) - Tình hình biên giới giữa Campuchia và Thái Lan lại căng thẳng sau một vụ đụng độ giữa quân đội hai nước vào sáng 24/7.

24/07/2025 18:58
Diễn biến mới xung quanh quan hệ ngoại giao Campuchia – Thái Lan- Ảnh 1.

Phía Campuchia được chụp từ trạm kiểm soát biên giới Ban Pakkad ở quận Khlong Yai, tỉnh Chanthaburi, Thái Lan, ngày 16/6/2025 - Ảnh: THX/TTXVN

Sáng 24/7, Campuchia đã ra tuyên bố hạ quan hệ ngoại giao với Thái Lan xuống cấp thấp nhất là Bí thư thứ hai và yêu cầu các nhà ngoại giao Thái Lan rời khỏi Campuchia.

Thông tin trên được công bố vào rạng sáng 24/7 trên kênh Telegram của Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia, ông Neth Pheaktra, được hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) và nhiều phương tiện truyền thông sở tại đăng phát.

Theo đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Thái Lan xuống mức Bí thư thứ hai và triệu hồi toàn thể nhân viên ngoại giao đang làm việc tại Đại sứ quán Campuchia ở Bangkok về nước. Các nhà ngoại giao Thái Lan được yêu cầu rời Campuchia.

Theo AKP, động thái trên được đưa ra sau khi Thủ tướng lâm thời Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết chính phủ đã triệu hồi Đại sứ Thái Lan tại Campuchia và yêu cầu Đại sứ Campuchia rời khỏi Thái Lan với lý do phản ứng về vụ nổ mìn xảy ra tối 23/7 ở khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia khiến binh sĩ Thái Lan bị thương.

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tối 23/7 cho biết chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp phản ứng phù hợp trước sự cố biên giới, đồng thời nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh cấp độ quan hệ ngoại giao với Campuchia vẫn đang được cân nhắc.

Tướng Nattapol Nakphanit, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan cho biết vụ nổ xảy ra vào lúc 16h55 ngày 23/7 tại khu vực gần cửa khẩu biên giới Chong An Ma, khiến 5 binh sĩ bị thương, trong đó có một người bị thương nặng. Đây là vụ nổ mìn thứ hai chỉ trong vòng một tuần khiến binh sĩ Thái Lan bị thương.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng đã gửi công hàm phản đối tới Campuchia, xác nhận vụ nổ có liên quan đến mìn mới đặt tại các tuyến tuần tra quân sự.

Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt đề xuất từ Quân đoàn 2 về việc tăng cường kiểm soát biên giới, theo đó Trung tướng Boonsin Padklang ra lệnh đóng cửa 4 cửa khẩu gồm Chong An Ma, Chong Sa-ngam, Chong Chom và Chong Sai Taku, cùng hai đền cổ Ta Muen Thom và Ta Kwai, kể từ ngày 24/7.

Quân đội Thái Lan cũng khẩn cấp kích hoạt "Chiến lược quân sự Chakraphong Phuwanart" – từng được áp dụng trong xung đột biên giới quanh đền Preah Vihear năm 2011 – nhằm ứng phó với tình hình căng thẳng hiện tại. Sáng 24/7, Tổng Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Đại tướng Pana Klaewplodthuk, cùng các sĩ quan cấp cao sẽ đến cửa khẩu Chong An Ma để kiểm tra thực địa.

Đụng độ tại biên giới giữa Campuchia và Thái Lan

Tình hình biên giới giữa Campuchia và Thái Lan lại leo thang căng thẳng sau một vụ đụng độ giữa quân đội hai nước vào sáng 24/7.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia - bà Maly Socheata xác nhận vụ đụng độ xảy ra tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia. Bà nêu rõ quân đội Thái Lan đã tấn công trước và quân đội Campuchia "đã thực hiện quyền tự vệ trong chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".

Trong khi đó, trang tin Fresh News dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Campuchia cho biết vào sáng 24/7, quân đội Campuchia đã đáp trả sau khi phía Thái Lan nổ súng trước và đóng cửa, không cho người dân vào đền Ta Moan nằm ở khu vực biên giới.

Đại tướng Chhum Socheat - một người phát ngôn khác của Bộ Quốc phòng Campuchia - xác nhận vụ đụng độ diễn ra vào khoảng 9h sáng 24/7 tại khu vực đền Ta Moan Thom. Ông cho biết vụ việc có sử dụng vũ khí hạng nặng và đang lan rộng sang một số khu vực khác dọc biên giới.

Trong khi đó, báo Bangkok Post dẫn thông báo của Quân đội Hoàng gia Thái Lan khẳng định sáng 24/7, binh sĩ Campuchia đã nổ súng vào một căn cứ quân sự của Thái Lan tại tỉnh Surin (Đông Bắc Thái Lan).

Người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết vào lúc 7h35 sáng, binh sĩ nước này phát hiện một thiết bị bay không người lái của Campuchia gần khu vực di tích đền Ta Moan Thom thuộc huyện Phanom Dong Rak (tỉnh Surin). Sau đó, 6 binh sĩ Campuchia được trang bị vũ khí đã tiếp cận hàng rào dây thép gai trước căn cứ quân sự của Thái Lan.

Phía Thái Lan đã yêu cầu binh sĩ Campuchia tránh leo thang xung đột. Tuy nhiên, vào lúc 8h20 sáng, Campuchia đã nổ súng về phía căn cứ quân sự, cách di tích đền Ta Moan khoảng 200 m về phía đông. Theo Đại tá Richa Suksuwanont, Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan, ít nhất 2 binh sĩ nước này đã bị thương trong các cuộc đụng độ tại khu vực biên giới. Ông này cho biết Campuchia đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có cả bệ phóng rocket BM-21.

Thái Lan kêu gọi xử lý thận trọng căng thẳng biên giới - Campuchia đề nghị LHQ họp khẩn

Ngày 24/7, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tuyên bố tình hình tại khu vực biên giới giữa nước này và Campuchia vẫn đang ở trạng thái nhạy cảm và cần được xử lý thận trọng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố kêu gọi Campuchia chấm dứt các hành động mà Bangkok cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh Thái Lan "sẵn sàng tăng cường các biện pháp tự vệ" trong trường hợp căng thẳng biên giới leo thang.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư tới Đại sứ Asim Iftikhar Ahmad - Đại diện thường trực của Pakistan tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tháng 7/2025, trong đó yêu cầu HĐBA họp khẩn cấp về tình hình căng thẳng biên giới Campuchia - Thái Lan.

Trong thư, Thủ tướng Hun Manet bày tỏ quan ngại về các vụ đụng độ xảy ra tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear của Campuchia, cho rằng hành động của Thái Lan là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhà lãnh đạo Campuchia đề nghị HĐBA LHQ triệu tập họp khẩn để ngăn chặn căng thẳng leo thang và yêu cầu lưu hành bức thư này như một tài liệu chính thức của HĐBA LHQ.

Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia

Ngày 24/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam cũng như cùng là thành viên ASEAN. Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực".

Trung Quốc kêu gọi Thái Lan và Campuchia giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại

Ngày 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn (Guo Jiakun) bày tỏ hy vọng Thái Lan và Campuchia có thể giải quyết căng thẳng tại biên giới hai nước thông qua đối thoại và tham vấn.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, trả lời báo giới, ông Quách Gia Côn cho biết Trung Quốc quan ngại về những diễn biến hiện nay tại khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng này. Ông nhấn mạnh việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị và giải quyết thỏa đáng các bất đồng là lợi ích cơ bản và lâu dài của cả hai bên.

Người phát ngôn trên cũng khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình, đối thoại và đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực giảm căng thẳng.

Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã ban hành khuyến cáo an ninh, kêu gọi công dân Trung Quốc tránh lui tới các khu vực gần biên giới Campuchia-Thái Lan sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước.

Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh đã kêu gọi công dân Thái Lan rời khỏi Campuchia "sớm nhất có thể", trừ khi có lý do thật sự cần thiết để ở lại.

An Bình