TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Thu Giang
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Phát biểu tại hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW trong toàn hệ thống, Đảng ủy Liên hiệp Hội đã ban hành kế hoạch hành động với quan điểm phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học.
Liên hiệp Hội cũng đang xây dựng kế hoạch huy động các hội ngành toàn quốc, liên hiệp hội địa phương và các tổ chức KHCN thành viên cùng tham gia triển khai Nghị quyết, nhằm đóng góp vào sự phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Phan Xuân Dũng kỳ vọng với tri thức và kinh nghiệm phong phú, đội ngũ trí thức, nhà khoa học – đặc biệt là đại diện các chi bộ và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội – được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc hiến kế, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57 trong toàn hệ thống, góp phần thúc đẩy ứng dụng KHCN vào cuộc sống.
Theo TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội, hiện nay, đội ngũ trí thức KHCN chiếm gần 90% lực lượng trí thức cả nước. Nhiều Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW đã thể hiện rõ chủ trương phát huy vai trò trí thức. Đây là kim chỉ nam giúp hệ thống Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam.
TS. Lê Xuân Rao đề xuất Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo cơ chế đặc thù cho hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của Liên hiệp hội các cấp. Bộ ngành, địa phương cần tăng cường đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng kết quả khoa học từ hệ thống liên hiệp hội.
Đồng thời Liên hiệp Hội Việt Nam cần có kế hoạch hành động cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng hội thành viên bám sát các mục tiêu của Nghị quyết; phối hợp, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tiếp cận, phát huy, kết nối hiệu quả và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Hội thảo "Vai trò của trí thức KHCN Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết 57" - Ảnh: VGP/Thu Giang
Góp ý tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Liên hiệp Hội cần chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xác lập nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Cụ thể, các nhiệm vụ gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW gồm: Phổ biến kiến thức KHCN cho nhân dân; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách lớn liên quan đến KHCN, giáo dục - đào tạo, chính sách trí thức; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tôn vinh trí thức có nhiều đóng góp; hợp tác quốc tế và kết nối trí thức Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Các nội dung này cần được cụ thể hóa thành chương trình, đề án, nhiệm vụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào kế hoạch công tác hằng năm của Liên hiệp Hội.
TS. Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đề nghị cần sớm ban hành cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động và hiệu quả của Liên hiệp Hội và các hội thành viên trong việc thực hiện các đề án, nhiệm vụ KH&CN do các bộ, ngành và địa phương triển khai. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ trong Nghị quyết 57.
Trong khi đó, TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng, trong kỷ nguyên số và AI, trí thức là lực lượng tiên phong trong kiến tạo tri thức mới, định hình chính sách và dẫn dắt chuyển đổi xã hội. Việc phát huy vai trò trí thức không chỉ đòi hỏi đầu tư về nguồn lực, mà còn cần một sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy chính sách – từ hỗ trợ sang đồng hành, từ định hướng sang khai phóng, từ quản lý sang tạo điều kiện.
Nhà nước cần nhìn nhận đội ngũ trí thức như đối tác chiến lược trong công cuộc phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và xây dựng tương lai quốc gia. Khi trí thức được trao quyền, được tin tưởng và được truyền cảm hứng, họ sẽ trở thành ngọn nguồn của những giá trị bền vững cho đất nước Việt Nam.
TS. Nghiêm Vũ Khải kiến nghị việc sửa đổi Luật KH&CN cần thể chế hóa các chính sách đột phá của Nghị quyết 57 và các chỉ thị, nghị quyết liên quan; có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm, cơ cấu Ban chỉ đạo cấp quốc gia cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín và đại diện doanh nghiệp lớn; quy định chỉ tiêu và lộ trình tăng ngân sách nhà nước cho KHCN và đổi mới sáng tạo theo yêu cầu phát triển đất nước...
Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đề xuất ngoài những cơ chế chính sách đột phá mạnh mẽ đã có trong Nghị quyết 57, cần bổ sung nội dung cơ chế chính sách và chương trình hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm KH&CN, đổi mới sáng tạo đã đạt giải thưởng của Liên hiệp Hội hoặc đã thử nghiệm thành công và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
Thu Giang