Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đầu tư công, ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, nợ công…
Cụ thể, Quốc hội thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương.
Phát biểu tại hội trường, cơ bản ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; cho rằng, việc thực hiện đầu tư công thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) khẳng định, công tác quản lý ngân sách và thực thi chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua. Trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh, các kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn và hàng năm đều được triển khai thực hiện đạt và vượt kế hoạch; đảm bảo các nhu cầu chi định kỳ và đột xuất; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn; dự địa cho chính sách tài khóa được triển khai tích cực, hiệu quả…
Đồng thời, đại biểu cho rằng chính sách tài khóa thời gian qua góp phần tích cực đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn ngân sách thực hiện các chương trình đề ra. Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đánh giá, kết quả đầu tư công thời gian qua đạt kết quả tốt, khắc phục được đầu tư dàn trải, nỗ lực cao triển khai các dự án đường cao tốc và dự án sân bay Long Thành. Dự kiến đến năm 2023, nước ta sẽ hoàn thành 5.000 km đường cao tốc và nhiều dự án trọng điểm - là kết quả đáng tự hào. Cùng với đó là thể chế cho đầu tư công nhất là về phân cấp, phân quyền dần được hoàn thiện. Những cơ chế này là tiền đề để đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sau.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) nhận định, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cũng đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.
Khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đầu tư công trong phát triển kinh tế-xã hội, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, nếu giải ngân tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, các chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên cho phép kéo dài nguồn tăng thu tiết kiệm chi để đầu tư cho xây dựng, tu bổ các tuyến đường cao tốc...
Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn đến nền kinh tế như: Sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép-Thị Vải... Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn.
Bên cạnh khẳng định những kết quả quan trọng đạt được trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) nhìn nhận, trên tổng thể công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, đến công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân.
Trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách còn nhiều vướng mắc làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình… Đây là những điểm nghẽn rất lớn cần được tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả đầu tư công.
Đại biểu Lê Hữu Trí cũng cho rằng, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, đối với công tác này cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế không những diễn ra trong năm 2023 mà kéo dài từ nhiều năm trước.
Việc xác định rõ đâu là nguyên nhân đích thực dẫn đến các tồn tại, hạn chế kéo dài để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm để nhằm bảo đảm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực của đất nước có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội là rất lớn để đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước", đại biểu Lê Hữu Trí nêu quan điểm.
Một số ý kiến đại biểu biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Trong triển khai các dự án giao thông, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, thành phần kinh tế nhà nước cần phải là nhà đầu tư chính cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Bởi thành phần kinh tế nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn đối với dự án đầu tư, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20 hay 25 năm; nhưng đối với nhà nước thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50 năm thậm chí 70 đến 100 năm. Đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư, lợi ích đem lại của các dự án hạ tầng chiến lược về giao thông là lợi ích tổng hợp, đa mục đích cả kinh tế-xã hội, thậm chí cả quốc phòng an ninh và chính trị.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, các nghiên cứu mới nhất về các nền kinh tế phát triển đều cho thấy, vai trò của kinh tế nhà nước tại các quốc gia này ngày càng quan trọng và mở rộng. Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần có giải pháp đột phá, phát huy vai trò của thành phần kinh tế nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược cũng như quản lý vận hành khai thác các dự án này.
Hải Liên