In bài viết

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng

(Chinhphu.vn) - Để gỡ nút thắt về trồng rừng nói chung và xã hội hóa trồng rừng nói riêng, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần xây dựng cụm nhà máy chế biến ở vị trí thích hợp, thuận tiện di chuyển tới vùng nguyên liệu.

21/11/2023 10:35
Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng- Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Tại tọa đàm "Xã hội hóa trồng rừng và phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" do Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị tổ chức chiều 20/11, các nhà quản lý và chuyên gia đã cùng thảo luận để gỡ những "nút thắt", thúc đẩy xã hội hóa trồng rừng.

Ông Trần Nho Đạt, Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cho biết, hằng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỉ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn có tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon và cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, chưa có tổ chức sản xuất theo chuỗi và mức thu còn chưa tương xứng với giá trị mang lại.

Bà Phạm Thu Thủy, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết, qua khảo sát từ gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển mạnh về lâm nghiệp như Phần Lan, xã hội hóa trồng rừng đang là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên.

Theo bà Thủy, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mạnh về trồng rừng là tài chính hóa các cơ chế chính sách liên quan về rừng. Chẳng hạn, họ xây dựng thị trường tín chỉ đa dạng sinh học hoặc coi các khu rừng như cổ phiếu và mua bán trên sàn chứng khoán.

Tán thành với việc kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, ở cấp địa phương, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, xã hội hóa trồng rừng là huy động và phối hợp người dân, các tổ chức trong tất cả quy trình, từ khâu phát triển giống. Ngoài ra là có cơ chế ràng buộc và lợi ích giữa các bên được hài hòa.

Việc xã hội hóa, theo ông Cường, còn là hợp tác đa bên, liên ngành, giữa địa phương, tổ chức với nhau, thậm chí các quốc gia, khu vực với nhau.

Bà Ngô Nữ Huyền Trang, Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng việc xã hội hóa trồng rừng là cần thiết. Tuy nhiên, bà băn khoăn liệu các nguồn lực đầu tư có đi đúng hướng và góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển giá trị gia tăng, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Theo bà Trang, dù còn một số hạn chế, công tác xã hội hóa trồng rừng đang ngày càng được người dân và doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Trong khi đó, ông Hà Đăng Chỉnh, Trưởng phòng nguyên liệu gỗ Công ty CP Woodsland thừa nhận, doanh nghiệp rất khó thuyết phục người dân giữ rừng gỗ lớn. Bởi thông thường, người dân chọn thời điểm khai thác dựa trên giá thị trường. Người trồng rừng chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, manh mún khiến tâm lý khai thác tự phát còn khá phổ biến.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo thông tin, Nhà nước hiện đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030 nên rừng đặc dụng, phòng hộ (khoảng 7 triệu ha) phải giữ nguyên. Phần còn lại, khoảng 4 triệu ha rừng phòng hộ cần để phục hồi. Do đó, chỉ còn gần 4 triệu ha có thể khai thác, sản xuất.

Từ thực tế này, ông Bảo nhận định, hạ tầng lâm nghiệp tại các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên có nhiều dư địa về trồng rừng nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. "Khai thác gỗ từ núi cao thì chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên rất nhiều", Cục trưởng Trần Quang Bảo nhìn nhận.

Để gỡ nút thắt về trồng rừng nói chung và xã hội hóa trồng rừng nói riêng, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho rằng cần xây dựng cụm nhà máy chế biến ở vị trí thích hợp, thuận tiện di chuyển tới vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế lớn về giống keo lai. Qua nhiều năm nghiên cứu, các giống này phù hợp với thổ nhưỡng, mau lớn, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đây có thể đòn bẩy giúp ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD trong một vài năm tới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. "Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững. Nếu chúng ta khám phá được những giá trị to lớn hơn thì các doanh nghiệp cũng sẽ vào cuộc, cùng người dân và cơ quan chức năng để bảo vệ và phát triển rừng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Theo Bộ trưởng, rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Khi bà con hiểu được những giá trị này sẽ chủ động giữ và phát triển rừng. Cũng từ quan điểm này khi xây dựng các chính sách thì mới có thể cùng các doanh nghiệp thay đổi tư duy. "Thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đỗ Hương