In bài viết

Phiên thảo luận về đầu tư công, tài chính, ngân sách diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm

(Chinhphu.vn) – Với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội.

02/11/2023 15:02
Phiên thảo luận về đầu tư công, tài chính, ngân sách diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia phát biểu giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm

Phiên thảo luận tại hội trường về thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 được diễn ra vào sáng 2/11.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một buổi thảo luận tại hội trường đã có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 1 đại biểu tham gia tranh luận, còn 2 đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa phát biểu. Đề nghị đại biểu gửi ý kiến về Ban Thư ký để kịp thời tổng hợp. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tham gia phát biểu giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bối cảnh thế giới và kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực.

Thu ngân sách nhà nước năm 2021, 2022 vượt rất cao so với dự toán, năm 2023 dự kiến đạt dự toán. Nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế được thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần, cơ cấu chi tiếp tục dịch chuyển tích cực, các nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cơ bản được đảm bảo. Công tác quản lý nợ công có nhiều tiến bộ, các chỉ tiêu an toàn nợ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trong mức trần và ngưỡng an toàn, Quốc hội cho phép thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn để hoàn thành các nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2023, dự toán năm 2024 và kế hoạch 5 năm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện về thể chế thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, giam gia các ý kiến về cải thiện công tác kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu ngân sách Nhà nước, phân bổ giao dự toán ngân sách Trung ương và giao kế hoạch dự toán chi đầu tư đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, giảm nợ thuế, giảm chi chuyển nguồn, không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, kiểm soát vay, trả nợ, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện thực chất và hiệu quả chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư của xã hội, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải trải, lãng phí, kém hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

"Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết vào các Nghị quyết của Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội xem xét thông qua", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay.

Hải Liên