In bài viết

Phối hợp thực hiện chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Ngày 28/10, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA/FLEGT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn "Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam".

28/10/2022 16:40
Phối hợp thực hiện chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Mục tiêu của Diễn đàn là thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp; góp phần thúc đẩy các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam thông qua việc tăng cường công tác truyền thông và chia sẻ thông tin nhằm đạt được mục tiêu chung.

Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu từ các cơ quan gồm: Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức, các viện nghiên cứu và các trường đại học, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành phố khác (bao gồm các Chi cục Kiểm lâm, các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, chủ rừng,…), các tổ chức thành viên Nhóm nòng cốt Đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA/FLEGT và các tổ chức phi chính phủ.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ USD. 

"Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp", ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu đồ gỗ, tầm nhìn của Bình Dương là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng bền vững, hiệu quả, hiện đại. Diễn đàn 'Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam' là cơ hội để tỉnh Bình Dương truyền tải định hướng phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh, cũng nhất quán với định hướng chung của Chính phủ về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tới các bên liên quan trong và ngoài nước".   

Tại Diễn đàn, các đại biểu được cung cấp thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “Hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp” - khẩu hiệu của Diễn đàn năm nay.

Ngoài ra, các đại biểu có cơ hội tìm hiểu về thực tiễn tuân thủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA FLEGT và Nghị định số 102/2020/NĐ-CP tại một công ty gỗ. 

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này ngày càng gia tăng trong suốt thập kỷ qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng từ 3,4 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 14,5 tỷ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. 

Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau, tạo ra hơn 500.000 việc làm dài hạn cho người lao động. Kết quả này góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Đỗ Hương