Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vào tháng 10/2018, Việt Nam và EU ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT). Mục tiêu của VPA/FLEGT là cải thiện quản trị rừng và khung pháp lý quy định các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và dành cho xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.
Để đảm bảo thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT hiệu quả và thành công thì sự tham gia tích cực của các bên liên quan là yêu cầu quan trọng. Chính vì vậy, Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT (Nhóm Nòng cốt) đã được thành lập và tổ chức họp lần thứ nhất vào tháng 10/2018. Nhóm Nòng cốt cung cấp diễn đàn để các bên liên quan phối hợp và tham gia triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT.
Tính đến nay, Nhóm Nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT đã có sự tham gia tích cực và hiệu quả của hơn 40 thành viên đại diện cho 6 nhóm tổ chức khác nhau, bao gồm khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành gỗ, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, đối tác phát triển quốc tế hỗ trợ các dự án Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) và các cơ quan xác minh.
Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp với nhiều đóng góp trong xây dựng kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA /FLEGT; khung giám sát và đánh giá việc thực hiện VPA/FLEGT; văn bản quy phạm pháp luật;... Một số tổ chức là thành viên của Nhóm Nòng cốt cũng cùng phối hợp xây dựng Bản tin Chính sách có nội dung chính là Hệ thống Phân loại doanh nghiệp của Việt Nam (ECS), đây là môt bước tiến quan trọng trong tiến trình thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS). Hệ thống này sẽ góp phần tăng giá trị thương mại, mở rộng thị phần và thị trường cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đồng thời cũng giảm tải cho công việc xác minh và kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tương lai sau khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành.
Tại Hội thảo, Giáo sư Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: "Trong thời gian tới, Nhóm Nòng cốt cần tập trung vào vào các lĩnh vực hoạt động. Đầu tiên là tăng cường tổ chức. Thứ hai là xác định các vấn đề, nội dung và chủ đề để thực hiện Hiệp định. Thứ ba là tham vấn và phản biện. Cuối cùng, là tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam".
"Bản tin chính sách mà Nhóm Nòng cốt xây dựng và công bố đã cho thấy những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong việc thực hiện các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm người lao động và an toàn lao động trong các doanh nghiệp gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong bối cảnh thực hiện VPA/FLEGT", ông Cao Chí Công, Đồng Chủ tịch Nhóm Nòng cốt nhận xét.
Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng GIZ Việt Nam chia sẻ: "Sau quá trình đàm phán, nay Hiệp định đã chuyển sang giai đoạn thực hiện, trọng tâm trong phối hợp giữa các đối tác đã chuyển sang đảm bảo tính nhất quán giữa khung pháp luật của Việt Nam với những điều khoản hai bên đã thống nhất trong Hiệp định cũng như tiến hành các biện pháp tăng cường năng lực và hỗ trợ sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan vào tiến trình. Nhóm Nòng nốt đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của tiến trình thực hiện Hiệp định và tôi tin rằng cả hai bên ký kết Hiệp định đều không chỉ một lần công nhận và thể hiện sự trân trọng đối với sự đóng góp và tham gia tích cực của Nhóm".
Hội thảo tổng kết 5 năm hoạt động cũng tạo cơ hội để các bên cùng góp ý và xây dựng ý tưởng cho các hoạt động chung của Nhóm trong thời gian tới. Phiên thảo luận các nội dung kỹ thuật liên quan tới quá trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên nhằm xác định những hoạt động cần ưu tiên trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các bên tham gia tìm hiểu những thực tiễn tại Việt Nam trong thực hiện Hiệp định và những đóng góp tích cực của Nhóm Nòng cốt vào tiến trình này cho đến nay.
Đỗ Hương