Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thông tin trên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội" ngày 15/10.
Tạo cơ hội để phụ nữ tham gia phát triển kinh tế
Đặt câu hỏi Chính phủ cần giải đáp gì để thúc đẩy phụ nữ làm kinh tế, bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất tỉnh Hòa Bình cho biết, các HTX tham gia chuỗi giá trị hằng năm tăng dần nhưng còn ở mức thấp, chỉ đạt trên 23%, sản phẩm còn hạn chế, các chủ thể là nữ tham gia sản phẩm OCOP mới chỉ đạt 39%. Chính phủ có giải pháp gì để tạo cơ hội để phụ nữ chủ động, sáng tạo tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nay tổng số lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47,4%, riêng trong HTX hiện chiếm 80% là nữ, con số này cho thấy phụ nữ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận, hiện chưa có chính sách riêng cho phụ nữ khi tham gia hoạt động kinh tế. Tuy vậy, đã bước đầu xây dựng cơ chế liên quan hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, cũng như lồng ghép nhiều chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ phụ nữ.
Riêng trong phát triển sản phẩm OCOP, Thứ trưởng cho biết, các chính sách phục vụ sự phát triển chuỗi đã khá rõ ràng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu vào, đầu ra. "Tuy nhiên, để có nhiều sản phẩm với giá trị được nâng cao hơn thì cần hỗ trợ đầu tư, thậm chí là vốn vay ưu đãi và duy trì lâu dài để bảo đảm các HTX có chuỗi sản phẩm do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ nhiều hơn", ông Hiệp nói.
Khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh luôn quan tâm tới chủ thể nữ trong các hoạt động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, từ việc ban hành đến việc thực hiện các cơ chế chính sách liên quan. Để hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi giá trị, các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP, nhiều chương trình đã được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi, dân tộc thiểu số, đo đó hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn chính sách này để nâng cao nguồn lực.
Để phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới, bà Vi Thanh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân đặt vấn đề: Thời gian qua, phụ nữ nông thôn tham gia tích cực và có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính phủ có gợi ý gì về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là một trong những biện pháp quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới. Để phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh triển khai nội dung số 3, 5 trong Quyết định 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh chương trình 5 không, 3 sạch, xác định rõ hơn nội hàm của chương trình này, trong đó, các mục tiêu chú trọng vào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp và xây dựng nông thôn đáng sống…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của phụ nữ rất quan trọng, do đó cần chú trọng công tác bình đẳng giới, các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở nông thôn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ để nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần.
Quan tâm vấn đề vốn, chị Đỗ Thị Ninh, Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, Nghệ An cho hay, hiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tổ chức tài chính vi mô đã được xây dựng, nhưng đối tượng khách hàng vẫn bị giới hạn hộ gia đình nghèo, siêu nghèo. Vậy để tài chính vi mô nâng cao hơn nữa vai trò, trở thành công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước trong giảm thiểu tín dụng đen, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, Chính phủ có giải pháp gì để thúc đẩy hơn nữa, cũng như để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô.
Giải đáp việc này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, phát triển tài chính toàn diện nói chung và phát triển tài chính vi mô là chủ trương rất lớn được Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, phát triển tài chính vi mô là nội dung cơ bản và quan trọng nhất trong chiến lược toàn diện này. Đặc biệt, đã thành lập Ban Chỉ đạo về tài chính toàn diện do Thủ tướng là Trưởng ban, điều đó thể hiện Chính phủ luôn chú trọng và tạo điều kiện cho việc phát triển này, đặc biệt đối với những giải pháp, biện pháp nhằm giúp cho người nghèo, người cận nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo một cách bền vững.
Về giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô, ông Đào Minh Tú cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa Thông tư 03 để mở rộng hơn nữa đối tượng. Quy định hiện nay chưa cho phép các tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán, nhưng ông Tú cho biết sẽ sửa Luật Các tổ chức tín dụng, cho phép tổ chức tài chính vi mô mở tài khoản thanh toán.
Theo ông Tú, việc tăng nguồn vốn cho các tổ chức tài chính vĩ mô là một kiến nghị rất cần thiết. Cả nước hiện có 4 công ty tài chính vi mô, 75 chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động tại 35 tỉnh, thành với số nguồn vốn khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, con số này chưa phải là lớn, việc tăng thêm nguồn vốn là rất cần thiết.
"Luật pháp cho phép tài chính vi mô được vay vốn các tổ chức trong nước, quốc tế, cũng như các cá nhân, tuy nhiên mức độ, phạm vi phải phù hợp tính chất hoạt động của công ty tài chính vi mô để không vượt qua khuôn khổ pháp lý, và phải bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính vi mô nói riêng, cũng như các tổ chức tín dụng của nhà nước nói chung", ông Tú cho hay.
Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế tuần hoàn, phụ nữ Việt Nam còn rất tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.
Nhiều tấm gương điển hình đã được công nhận danh hiệu ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, vẫn còn có những khoảng cách giới về cơ hội, điều kiện, năng lực tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ và thụ hưởng kết quả của khoa học công nghệ, nhất là việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ ươm tạo công nghệ đối với phụ nữ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ sẽ có giải pháp gì thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới.
Khẳng định việc nữ giới luôn được quan tâm trong lĩnh vực khoa học, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu, ban hành cơ chế chính sách, xây dựng, phát triển lực lượng làm công tác khoa học, tiếp cận nguồn lực khoa học công nghệ ...
"Hiện các nhà khoa học nữ chiếm 42% trong tổng số các nhà khoa học trên toàn quốc, đặc biệt trong một số lĩnh vực tỉ lệ nữ chiếm rất cao, như giáo dục, đào tạo chiếm đến 64%, khoa học xã hội nhân văn chiếm 58%...
Đặc biệt việc triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" cho thấy, chủ các doanh nghiệp là nữ giới chiếm đến 30%, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn sự khác biệt do điều kiện, nguồn lực, thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình nên có một số hoạt động vẫn chưa thể bằng nam giới trong lĩnh vực tiếp cận và triển khai công nghệ trong thời gian qua", ông Giang nói.
Đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu về vấn đề lồng ghép để bảo đảm trong đào tạo, tuyển dụng, tiếp tục vinh danh và tham mưu ban hành quy định để tạo điều kiện và có cơ chế riêng cho các cán bộ khoa học nữ; đặc biệt vận động các nhà khoa học trẻ là nữ giới tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, xây dựng hệ liên kết là các nhà khoa học nữ để tạo thành hệ thống và có sự tương tác chặt chẽ hơn.
Thùy Chi