Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Huy động nguồn lực xã hội chăm sóc sức khoẻ phụ nữ
Tại đầu cầu tỉnh Hưng Yên, chị Trần Thị Huyền Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Nghĩa đặt câu hỏi: Các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ có mối liên quan với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Khả năng chi trả điều trị của các gia đình và phụ nữ mắc ung thư còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được khám, tầm soát sớm, có thể sẽ giúp quá trình điều trị cũng như giảm thiểu các chi phí cho bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, các chi phí sàng lọc sớm một số bệnh ung thư liên quan đến phụ nữ (như ung thư vú, ung thư cổ tử cung...) không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT). Vì vậy, đề nghị Chính phủ đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của BHYT, góp phần bảo đảm mục tiêu về công tác y tế dự phòng.
Trả lời câu hỏi, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nếu có sức khoẻ tốt thì chúng ta mới đạt được các mục tiêu phát triển về phụ nữ, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân với nhiều chính sách được ban hành tập trung cho mục tiêu này. Trong đó có nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội cũng đã rất quan tâm đến chính sách y tế dự phòng-dành ít nhất 30% chính sách về y tế cho lĩnh vực này và phòng bệnh vẫn là mục tiêu cần phải tập trung. Khi chúng ta thực hiện công tác phòng bệnh tốt thì những chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh điều trị sẽ rẻ hơn rất nhiều, đồng thời có giải pháp ngay từ đầu.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cách đây 2 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP liên quan đến việc bổ sung tiêm chủng mở rộng và xác định từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái. Nguồn ngân sách để thực hiện việc này rất lớn, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng. Thời gian qua, chi hội phụ nữ các cấp cũng tập trung trong việc khám, sàng lọc ung thư cho phụ nữ.
Bên cạnh đó, BHYT sẽ chi trả cho khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Để mở rộng hơn nữa phạm vi của BHYT, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi Luật BHYT để mở rộng hơn phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó hướng tới sàng lọc bệnh, tăng cường đối tượng, mở rộng phạm vi, hướng tới mục tiêu như chị Trần Thị Huyền Thương đề nghị.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho hay, Bộ Y tế đang xây dựng nội dung Luật Phòng bệnh. Khi các luật được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để quan tâm tốt hơn việc nâng cao chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng dành sự quan tâm về các giải pháp cụ thể của Chính phủ để đạt được mục tiêu tỉ lệ cán bộ nữ, đặc biệt là ở những địa phương mà tỉ lệ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ còn thấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Hiện nay, lãnh đạo nữ chủ chốt tham gia vào các cơ quan Nhà nước ở Trung ương trên 23%, đối với cấp tỉnh là 37,5%, đối với cấp huyện là 39,6%.
Tuy nhiên, với một số chỉ tiêu như 60% cơ quan hành chính nhà nước có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ thì chúng ta chưa đạt được.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để đạt được mục tiêu đó, cần nhiều giải pháp như: Tổng rà soát lại các thể chế và cơ chế chính sách để xác định rõ chỉ tiêu, có căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền để đưa những chỉ tiêu, nhiệm vụ để phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60% cơ quan hành chính nhà nước có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Cần phát huy trách nhiệm của người đứng đầu để chúng ta quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và từ đó bố trí lãnh đạo nữ đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đánh giá lại 10 năm thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước; xây dựng những kế hoạch để thực hiện tốt hơn Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2011-2030" để cụ thể hoá nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ các cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ mong muốn chị em phụ nữ sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức, cũng như tự tin, bản lĩnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao - đó là những căn cứ rất quan trọng để các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu quan tâm để đảm bảo được tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo và giữ chức vụ chủ chốt như trong các nghị quyết, cũng như trong các quyết định của Trung ương, Chính phủ.
Phương Liên