In bài viết

Quảng Bình khẩn trương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

(Chinhphu.vn) – Tỉnh Quảng Bình dự kiến chi gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong giai đoạn 2024-2025, phấn đấu hoàn thành trước tháng 10/2025.

19/12/2024 14:56
Quảng Bình khẩn trương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo- Ảnh 1.

Còn nhiều hộ dân khó khăn, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, lũ lụt - Ảnh: VGP/Lưu Hương

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả, đã giúp cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn khó khăn về nhà ở có được nhà ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, đặc biệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời tiết ngày càng cực đoan, phức tạp, trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân... nên đến nay vẫn còn hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn đang sinh sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo về "3 cứng" và đặc biệt không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, lũ lụt.

Theo rà soát, hiện nay Quảng Bình còn 2.154 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ cải thiện để đảm bảo an toàn, trong đó có 1.120 hộ cần hỗ trợ xây mới, 1.034 hộ cần được cải tạo sửa chữa.

Nhằm triển khai hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo trên địa bàn, mới đây HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo đó, mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng cho một nhà (hộ); mức hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 30 triệu đồng cho một nhà (hộ), với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 98,22 tỷ đồng. Kinh phí từ ngân sách tỉnh và nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024.

Về tiêu chuẩn chất lượng nhà ở sau khi hỗ trợ xây mới, sửa chữa phải bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, phải bảo đảm an toàn. Đối với hộ gia đình đang sinh sống tại nơi có mức ngập lụt thường xuyên từ 2 m trở lên thì phải xây dựng được tầng 2 hoặc sàn tránh lũ, lụt cao hơn mức ngập lụt thường xuyên và có diện tích tối thiểu 15 m2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong khẳng định: Việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, do đó Quảng Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội để phấn đấu đến cuối năm 2025 phải hoàn thành bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện. Trong đó cần hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến đất đai của các hộ dân; thẩm định thiết kế mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương và điều kiện kinh phí theo mức quy định; tổ chức lễ phát động, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát; các lực lượng công an, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ ngày công lao động hoặc hỗ trợ hiện vật, kinh phí… giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

"Các địa phương sớm thành lập ban chỉ đạo; căn cứ tiêu chí, rà soát lại trường hợp đủ điều kiện, chưa đủ điều kiện, trên cơ sở đó xác định chính xác số hộ cần hỗ trợ... tổ chức lễ khởi công đồng loạt vào một ngày tại các xã trên địa bàn tỉnh", Chỉ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo.

Lưu Hương