Thực hiện các nhiệm vụ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay toàn tỉnh Quảng Bình có 3.544 tàu cá từ 6 m trở lên đã thực hiện đăng ký, đạt 94,7%; 3.443 tàu cá được cấp phép, 1.372 tàu cá đã thực hiện đăng kiểm và 1.128 tàu cá từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 94,8%...
Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã huy động nguồn lực, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về khai thác khai thác thuỷ sản. Trong 5 năm qua, lực lượng biên phòng, Chi cục Thủy sản và các địa phương đã tổ chức 315 đợt kiểm tra, xử lý 412 tàu cá vi phạm, phạt gần 2,5 tỷ đồng.
Công tác chống khai thác IUU tại Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại cần tập trung khắc phục, như: Vẫn có tình trạng một số tàu cá hoạt động nhưng chưa có giấy phép khai thác thủy sản, chưa bảo đảm yêu cầu trong công tác ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản, chưa chấm dứt tình trạng tàu cá vượt ranh giới trên biển, vẫn còn một số tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình…
Hiện tỉnh Quảng Bình đang quyết liệt thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nỗ lực cùng cả nước gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Riêng trong năm 2022, lực lượng biên phòng đã tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền với gần 1.300 lượt người dân tham dự phổ biến giáo dục pháp luật, phòng, chống khai thác IUU; cấp phát trên 3.100 tờ rơi, tờ gấp các loại; tổ chức cho hơn 2.800 lượt chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật về giấy tờ, đảm bảo an toàn hàng hải khi khai thác trên biển.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân, thuyền trưởng nâng cao nhận thức thông qua việc đa dạng các hình thức, nội dung, cách thức thực hiện; chỉ đạo cho các đồn biên phòng tuyến biển phối hợp với lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa sông, cửa lạch với chủ trương 100% tàu thuyền khi xuất lạch - về bến đều được kiểm tra kiểm soát.
Lực lượng biên phòng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, không đảm bảo trang thiết bị an toàn khi hoạt động khai thác trên biển và tổ chức tuần tra kiểm soát trên biển để tuyên truyền cho ngư dân cũng như đồng hành, hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển, giúp ngư dân vững tin, yên tâm bám biển.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng EC, địa phương đang thực hiện tốt tất cả các nội dung của Thủ tướng Chính phủ, cũng như kế hoạch 180 ngày của Bộ NN&PTNT. Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Quảng Bình đã họp kịp thời xây dựng kế hoạch gỡ thẻ vàng EC, trong đó coi công tác tuyên truyền là công tác quan trọng đầu tiên.
"Quảng Bình nhận thấy suy nghĩ của chủ tàu cá và bà con ngư dân vẫn chưa thay đổi về cách thức sản xuất. Kế hoạch lần này của tỉnh là tiếp tục tuyên truyền vận động đến bà con ngư dân, gắn trách nhiệm các cấp trong tuyên truyền về gỡ thẻ vàng, đặc biệt là ủy ban cấp xã để bà con ngư dân hiểu được việc gỡ thẻ vàng là cấp thiết và quan trọng trong khai thác thủy sản", lãnh đạo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho hay.
Tại Quảng Bình, những tàu hoạt động được cấp phép đều lắp thiết bị giám sát hành trình. Những tàu này khi ra khơi sẽ được biên phòng kích hoạt kiểm tra thiết bị giám sát hành trình. Những tàu bị mất kết nối 6 giờ, khi trở về sẽ bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt ngay.
Một trong những khó khăn hiện nay tại Quảng Bình là cơ sở hạ tầng các cảng cá còn yếu kém. Địa phương có 5 cửa sông, trong đó có 2 cảng cá đang phải sửa chữa, tạm đóng cửa. Trước đây những cảng này đang hoạt động là những cảng loại 2, loại 3 cho tàu 15 m. Nhưng có những tàu vẫn thường xuyên cập ở các bến tạm, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì ngư dân cho rằng họ về nhà, chứ không phải bốc hàng. Do vậy việc kiểm soát hàng hóa để 100% nguồn gốc hải sản rất khó khăn.
"Trong kế hoạch 180 ngày này, Quảng Bình sẽ cố gắng, quyết tâm, giao trách nhiệm cho các địa phương cấp xã trở lên tăng cường vận động và cả xử phạt để có thể giám sát 100% tàu cá, bà con ngư dân chấp hành tốt để thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU", Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Lưu Hương