In bài viết

Quy định mới về bán, thanh lý tài sản công

(Chinhphu.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định số 186/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, Nghị định quy định rõ về bán, thanh lý tài sản công.

09/07/2025 18:38
Quy định mới về bán, thanh lý tài sản công- Ảnh 1.

Nghị định 186/2025/NĐ-CP quy định rõ về bán, thanh lý tài sản công.

Thẩm quyền và trình tự bán tài sản công

Về thẩm quyền quyết định bán tài sản công, Nghị định quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo hình thức bán được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công.

Thẩm quyền quyết định bán tài sản công trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 của Luật được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

c) Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bán tài sản do Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng.

d) Cơ quan có tài sản công quyết định bán đối với: Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp; Tài sản công không phải là tài sản cố định.

Về trình tự, thủ tục bán tài sản công, Nghị định quy định cơ quan có tài sản công thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 của Luật lập 01 bộ hồ sơ đề nghị bán tài sản công gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP xem xét, quyết định bán tài sản công hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị bán không phù hợp.

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán tài sản công quyết định giao cơ quan có tài sản công hoặc cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật chịu trách nhiệm tổ chức bán tài sản công.

Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền giao trách nhiệm tổ chức bán tài sản công cho cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật thì thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật tổ chức bán đối với tài sản công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định bán.

- Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật tổ chức bán đối với tài sản công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bán.

- Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật tổ chức bán đối với tài sản công do Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định bán theo phân cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Căn cứ Quyết định bán tài sản công của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bán tài sản theo quy định tại các Điều 24, 25, 26 và 27 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP. Trường hợp hết thời hạn hiệu lực của Quyết định mà chưa hoàn thành việc bán thì thực hiện như sau:

- Trường hợp tiếp tục bán thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định hết hiệu lực, cơ quan có tài sản công có văn bản nêu rõ tiến độ thực hiện, lý do chưa hoàn thành việc bán và đề xuất thời gian gia hạn, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định bán xem xét, quyết định gia hạn Quyết định bán để tiếp tục thực hiện bán (thời gian gia hạn không quá 06 tháng, kể từ ngày có Quyết định gia hạn).

- Trường hợp không tiếp tục bán thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định hết hiệu lực, cơ quan có tài sản lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo các hình thức quy định tại các khoản 1, 2, 2a, 5, 6, 7 và 8 Điều 40 của Luật.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc bán tài sản, cơ quan có tài sản bán hạch toán giảm tài sản; báo cáo kê khai biến động tài sản công theo quy định.

Nghị định số 186/2025/NĐ-CP quy định 3 phương thức bán tài sản công gồm: Đấu giá, niêm yết giá và chỉ định.

Thẩm quyền và trình tự thanh lý tài sản công

Về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công, Nghị định quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật được quy định như sau:

1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản do Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng.

4- Cơ quan có tài sản công quyết định thanh lý đối với: Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp; Tài sản công không phải là tài sản cố định.

Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công, Nghị định quy định khi có tài sản công hết hạn sử dụng (hết thời gian sử dụng để tính hao mòn tài sản theo quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc hết niên hạn, tần suất sử dụng theo quy định của pháp luật) mà cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản có nhu cầu thanh lý; tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự kiến chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá trong trường hợp xác định được nguyên giá hoặc lớn hơn 30% giá trị đầu tư xây dựng, mua sắm mới tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ tương đương tại thời điểm thanh lý trong trường hợp không xác định được nguyên giá), nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan có tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định 186/2025/NĐ-CP quyết định thanh lý tài sản hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị thanh lý không phù hợp.

Trong thời hạn 60 ngày (đối với nhà và các tài sản khác gắn liền với đất), 30 ngày (đối với tài sản khác), kể từ ngày có quyết định thanh lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan có tài sản thanh lý tổ chức thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định 186/2025/NĐ-CP.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh lý tài sản, cơ quan có tài sản thanh lý hạch toán giảm tài sản; báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định.

Trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt (tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ thể hiện trên bản vẽ thiết kế cơ sở hoặc thiết kế bản vẽ thi công hoặc trên hồ sơ dự án hoặc trên quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc trên quyết định phê duyệt dự án) hoặc để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thì cơ quan có tài sản không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định. Việc phá dỡ, hủy bỏ tài sản được thực hiện như sau:

a- Phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt:

Trường hợp cơ quan có tài sản là Chủ đầu tư thực hiện dự án thì trên cơ sở nội dung phá dỡ, hủy bỏ tài sản hoặc giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt tại dự án, cơ quan có tài sản tổ chức thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP này và nội dung dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp cơ quan có tài sản không phải là Chủ đầu tư thực hiện dự án thì cơ quan có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản cho Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án; việc bàn giao được lập thành Biên bản. Căn cứ Biên bản bàn giao tài sản, cơ quan có tài sản thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định. Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP và dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Chi phí phá dỡ, hủy bỏ được tính vào chi phí thực hiện dự án; số tiền thu được từ việc xử lý vật tư, vật liệu thu hồi (nếu có) được quản lý, sử dụng theo dự án được phê duyệt (trong trường hợp dự án có quy định về việc quản lý số tiền thu được từ xử lý vật tư, vật liệu thu hồi) hoặc được nộp ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước nơi Ban Quản lý dự án/Chủ đầu tư thực hiện dự án mở tài khoản (trong trường hợp dự án không có quy định về việc quản lý số tiền thu được từ xử lý vật tư, vật liệu thu hồi).

b- Phá dỡ, hủy bỏ tài sản để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất: Cơ quan có tài sản có trách nhiệm bàn giao tài sản phải phá dỡ, hủy bỏ cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc bàn giao được lập thành Biên bản. Căn cứ Biên bản bàn giao tài sản, cơ quan có tài sản thực hiện hạch toán giảm tài sản theo quy định; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp nhà, công trình được xây dựng để sử dụng tạm thời trong khoảng thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền hoặc dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì sau khi hết thời gian sử dụng tạm thời, cơ quan có tài sản hoặc Ban quản lý dự án/Chủ đầu tư (trong trường hợp cơ quan có tài sản không phải là Chủ đầu tư thực hiện dự án) có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ, hủy bỏ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP và xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 186/2025/NĐ-CP; không phải thực hiện thủ tục báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công theo quy định.

Nghị định nêu rõ các hình thức tổ chức thanh lý tài sản công. Theo đó, tổ chức thanh lý tài sản công theo 2 hình thức: Phá dỡ, hủy bỏ và bán.

Nghị định 186/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Phương Nhi