Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu diễn biến phức tạp cả trên tuyến đường biển, đường bộ, đường sông và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt khi giá xăng dầu tăng và có sự chênh lệch với các nước trong khu vực, với các nước có chung đường biên giới, nguồn cung xăng dầu bị hạn chế…, các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức, khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp không ít khó khăn.
Những phương thức, thủ đoạn như hoán cải tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu khai thác thủy sản, gia cố bồn bể trên các phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy việc mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép...
Đáng chú ý, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để bơm xăng dầu sang các tàu nhỏ. Nhiều tàu vận chuyển trái phép xăng dầu còn được thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị...
Trước tình hình trên, ngành Hải quan tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình về giá xăng dầu tại nước có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và trên biển.
Cùng với đó, lực lượng kiểm soát hải quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện xuất, nhập cảnh, đặc biệt là phương tiện như ghe, thuyền, xà lan, ô tô… có hoặc có dấu hiệu gia cố bồn, bể, thùng chứa, cất giấu xăng dầu.
Mặt khác, cơ quan Hải quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật…
Tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh
Liên quan đến tội phạm ma túy, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ hoặc chuyển đi nước thứ ba tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu và có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hoạt động liều lĩnh, đặc biệt, từ quý II/2022 khi Việt Nam áp dụng chính sách miễn dịch cộng đồng, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trở lại bình thường.
Các loại ma tuý được vận chuyển vào Việt Nam chủ yếu là heroin, ma túy đá, ma túy tổng hợp (MDMA, ketamin, thuốc lắc), thuốc phiện, cần sa, cocain, lá khat... Đáng chú ý, gần đây cơ quan Hải quan bắt giữ một số vụ ma tuý tổng hợp được nguỵ trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau như kẹo, socola, cà phê… được vận chuyển qua đường hàng không.
Ngoài các tuyến đường bộ trọng điểm ở biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, gần đây tuyến đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh được xác định là điểm nóng về vận chuyển trái phép ma túy, trong đó tập trung ở 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Hòng trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng tìm cách ngụy trang, cất giấu ma tuý trong phương tiện, hàng hóa, hành lý, trong các đồ dùng cá nhân, thậm chí cả trong người. Nguy hiểm hơn, các đối tượng đang lợi dụng việc gửi hàng quà biếu, quà tặng thông qua các công ty vận chuyển quốc tế để đưa ma túy từ các nước châu Âu (như: Đức, Hà Lan...) về Việt Nam và ngược lại.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy, lực lượng Hải quan đã và đang nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành, nêu cao thế chủ động, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Các giải pháp trọng tâm có thể kể đến như: củng cố, tăng cường năng lực cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Đẩy mạnh hiệu quả triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma tuý, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước, công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất để xác lập các kế hoạch, chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy (gồm: Công an, Bội đội Biên phòng, Cảnh sát biển) trong triển khai công tác xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, yêu cầu, kế hoạch nghiệp vụ nhằm tăng cường công tác phòng, chống ma túy. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh nhằm khám phá thành công các chuyên án ma tuý lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, manh động, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức về pháp luật và nghiệp vụ phòng, chống ma túy trong lĩnh vực hải quan...
9 tháng đầu năm ngành Hải quan bắt giữ được 10 vụ vi phạm liên quan đến xăng dầu. Mới đây nhất, ngày 30/9/2022, tại khu vực biển, cảng biển Hải Phòng, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan số 2 (Cục Hải quan Quảng Ninh), Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) phát hiện, bắt giữ 2 tàu có hành vi lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất để sang mạn trái phép hòng đưa vào nội địa tiêu thụ khoảng 200 nghìn lít dầu.
TB