Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho biết: Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ việc vi phạm (giảm 3,79 % so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp NSNN 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 380 vụ (giảm 76,47% so với cùng kỳ năm 2021), 472 đối tượng (giảm 78,03% so với cùng kỳ năm 2021).
Quý III năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm (tăng 22,82% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: 7.032 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 34.897 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp NSNN 3.938 tỷ đồng (tăng 58,05% so với cùng kỳ năm 2022), khởi tố 94 vụ (giảm 45,98% so với cùng kỳ năm 2022), 220 đối tượng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022).
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Trong đó, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh miền Trung giáp Lào, do đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua khu vực biên giới các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị; vận chuyển ma túy từ Lào qua tỉnh Điện Biên đi Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đưa sang Trung Quốc; vận chuyển chuyển trái phép heroin, ma túy tổng hợp, cần sa từ Campuchia qua khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, An Giang đưa về TPHCM tiêu thụ.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan cũng diễn ra phức tạp, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, FO do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn và giá nhiên liệu trong nước vẫn ở mức cao, chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực. Hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép xảy ra tại địa bàn tuyến biển thuộc Hà Tĩnh, Sóc Trăng, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý, việc sử dụng trái phép vật liệu nổ khu vực biên giới biển các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Bình, Ninh Thuận có chiều hướng gia tăng.
Tội phạm ma túy sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, như cất giấu, nguỵ trang ma tuý trong hàng hoá... để mua bán, vận chuyển tiêu thụ gây ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế có chiều hướng tăng do tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao với thủ đoạn cất giấu tinh vi; tính chất vụ việc phức tạp. Các đối tượng giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội sau đó sử dụng các dịch vụ chuyển phát bưu chính quốc tế và các dịch vụ giao nhận hàng (shipper) nội địa để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định: Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến cuối năm có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, tình hình cạnh tranh chiến lược của một số nước trên thế giới khiến cho lạm phát gia tăng, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Từ đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, cần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Đặc biệt là Công điện số 871/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Các đơn vị cần xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đã đề ra trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua đường hàng không…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặc biệt lưu ý về chống buôn lậu xăng dầu. "Tập trung chống buôn lậu xăng dầu phải gắn với tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, các cây xăng phải dán tem thu thuế, tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện các chip gian lận xăng dầu bán lẻ, ảnh hưởng người người tiêu dùng...", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý hiện tượng giá vàng, ngoại tệ biến động, cần kiểm soát chặt, xử lý việc bán ngoại tệ, tuồn ra chợ đen, hay nước ngoài để lấy chênh lệch.
Huy Thắng