Sáng 3/2, tại TP. Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hội nghị có sự tham dự của đại diện 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước.
Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã thông tin về kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 3; một số nhiệm vụ trọng tâm để gỡ thẻ vàng của EC; chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Khánh Hòa, địa phương mà thanh tra EC vừa kiểm tra trực tiếp vừa qua.
Theo đó, tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC đã đến làm việc, kiểm tra việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Việt Nam. Tháng 12/2022, EC đã có báo cáo kết luận và thông tin những hạn chế còn tồn tại.
Thông tin về kết quả làm việc với đoàn thanh tra của EC, Tổng cục Thủy sản cho biết, qua kiểm tra, EC ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC. Khung pháp lý của Việt Nam hiện toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên, việc thực thi còn nhiều hạn chế và không đồng đều.
Qua thực tế kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa, EC đánh giá cao sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU. Giám sát đội tàu đã được cải thiện, tuy nhiên, số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.
EC chỉ ra vấn đề liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Cùng với đó, vấn đề đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.
Theo Tổng cục Thủy sản, qua kiểm tra, đến hết năm 2022, đã có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 86,7% tàu cá được cấp phép; có 157 lượt tàu từ 24 m bị mất kết nối; chỉ trong tháng 1/2023 đã có tới 6 tàu bị bắt giữ.
Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản cũng trình bày một số nhiệm vụ trọng tâm gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian tới, đó là: Trình ban hành Nghị định 26 và Nghị định 42 sửa đổi (trong quý 1); đưa vào sử dụng phầm mềm tích hợp VNF, VMS, NKKT điện tử, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc thủy sản; giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ vi phạm IUU, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập tại các đồn biên phòng, giám sát 24/7 toàn bộ tàu cá lắp VMS khi hoạt động trên biển; ngăn chặn hiệu quả, chấm dứt tàu cá vi phạm khai khác IUU; xác minh điều tra, xử lý 100% tàu cá không duy trì kết nối VMS, bị nước ngoài bắt giữ.
Về truy xuất nguồn gốc, sẽ thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng quy định, 100% lô hàng xuất khẩu đi EU cần truy xuất nguồn gốc có hồ sơ theo quy định…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng khai thác thủy sản của EU (năm 2017), Việt Nam vẫn chưa khắc phục được những tồn tại theo khuyến nghị của EC.
Còn nhiều hạn chế trong thực hiện khắc phục thẻ vàng EC như lắp thiết bị hành trình đã hơn 96% nhưng nguy cơ cao lại nằm ở các tàu không lắp thiết bị hành trình; tàu vào không khai báo, tàu ra không kiểm soát hết được 100% (không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không truy xuất được nguồn gốc)…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù Kết luận 245 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu là cuối năm 2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, nhưng đến nay số lượng vẫn tăng, chứng tỏ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa đúng mức, cho nên sắp tới đây sẽ có kế hoạch 180 ngày hành động chống khai thác IUU, sẽ quy định việc các bộ, ngành phải làm gì, địa phương phải làm gì để tiến tới chấm dứt việc vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Bởi nếu còn tàu vi phạm thì sẽ không gỡ được thẻ vàng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát chống khai thác IUU, để chuẩn bị tốt nhất cho đợt kiểm tra của EC vào tháng 5/2023 tới đây.
Lưu Hương