Hiện nay, chủ sở hữu kinh doanh cho thuê căn hộ dài hạn không bị cấm mà cho thuê ngắn hạn (dưới 30 ngày) lại bị cấm là chưa hợp lý - Ảnh minh họa
Liên quan đến việc ngày 27/2, UBND TPHCM ban hành Quyết định 26 quy định về quản lý và sử dụng nhà chung cư. Theo đó, việc cho thuê căn hộ trong nhà chung cư phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng để ở, tuyệt đối không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích lưu trú ngắn hạn, theo ngày, giờ. Cục Kiểm tra văn bản và quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) đã có bản tổng hợp vướng mắc và bất cập liên quan đến quy định nêu trên gửi Bộ Xây dựng.
Theo Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, quy định hiện hành, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Các văn bản hướng dẫn thi hành và công văn 4757 của Bộ Xây dựng cũng đã xác định việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở là bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, về bản chất, Bộ Tư pháp cho rằng: Dịch vụ cho thuê lưu trú theo hình thức Airbnb (mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê) vẫn là việc người thuê sử dụng căn hộ vào mục đích để ở, pháp luật hiện không có quy định nào xác định cho thuê ngắn ngày là bao nhiêu ngày hay cấm chủ sở hữu cho thuê căn hộ của mình.
Thực tế, hiện nay, chủ sở hữu kinh doanh cho thuê căn hộ dài hạn thì không bị cấm mà cho thuê ngắn hạn (dưới 30 ngày) lại bị cấm là chưa hợp lý. Do vậy, việc cấm cho thuê căn hộ qua Airbnb là chưa hợp lý và đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý.
Chủ sở hữu căn hộ không ở, có quyền cho thuê, đây là một trong những quyền tài sản của chủ sở hữu theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Trên thực tế, mô hình này có thể ảnh hưởng cư dân khác, nhưng thay vì cấm hoàn toàn nên áp dụng những giải pháp quản lý phù hợp. Ví dụ, chủ nhà phải đăng ký kinh doanh, đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy, không để ảnh hưởng cộng đồng trong chung cư.
Trong bản tổng hợp này, hướng xử lý được đưa ra nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tổng thể như ban hành quy định pháp luật cụ thể trong quản lý nhà chung cư về hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn ngày.
Trường hợp tiếp tục cấm hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn hạn tại những dự án chung cư, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể cân nhắc chế tài có tính răn đe đối với trường hợp vi phạm.
Trả lời nội dung trên, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, sẽ ghi nhận, nghiên cứu, rà soát để báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Đồng thời, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh việc quản lý sử dụng nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
Hiệp hội bất động sản (HoREA) đã có văn bản góp ý với UBND TPHCM. HoREA cho rằng, thay vì cấm, TP nên xem xét mô hình này như một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn ngày trong căn hộ chung cư cần được ban hành những quy định pháp luật, hộ kinh doanh phải đăng ký hoạt động, nộp thuế, tuân thủ tiêu chuẩn về nhà ở, dịch vụ...
Thống kê của HoREA cho thấy, trên địa bàn TP hiện có 24 chung cư, khu căn hộ đang thực hiện cho thuê ngắn hạn thông qua nền tảng Airbnb với khoảng 8.740 căn hộ. Ngoài ra, nhiều trường hợp cho thuê ngắn hạn dưới hình thức khác, trực tiếp hoặc qua bên trung gian.
Hoạt động cho thuê ngắn ngày mang về doanh thu trung bình từ 15-60 triệu đồng mỗi tháng cho các chủ nhà và là mô hình có thể đóng góp đáng kể vào ngân sách của thành phố.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, dịch vụ lưu trú ngắn ngày được hoạt động, chủ nhà có thể chấm điểm khách hàng, nếu có các vi phạm sẽ không được sử dụng dịch vụ sau này.
Phan Trang