Theo đó, giai đoạn Tết Dương lịch, sản lượng hành khách dự kiến đạt 115.000 người trên tổng số 720 chuyến bay. Đặc biệt, cao điểm Tết Nguyên đán, dự kiến lượng hành khách tăng đột biến lên đến 130.000 người mỗi ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành khách quốc nội tăng cao và lịch bay dày đặc hơn so với cùng kỳ năm trước nên tình hình giao thông các tuyến đường lân cận dẫn vào sân bay dự báo sẽ diễn biến căng thẳng.
Trong khi đó, tiêu chuẩn năng lực hành khách thông qua tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách/năm. Trong năm 2019, tổng sản lượng hành khách qua Cảng đã đạt hơn 41 triệu người, vượt công suất thiết kế 46%. Năm 2022, tổng sản lượng hành khách qua Cảng đạt 34 triệu người/năm, vượt công suất thiết kế 21%. Tỉ lệ tăng so với năm 2019 không nhiều do ảnh hưởng của lượng khách quốc tế giảm cả năm.
Để bảo đảm phục vụ tốt hành khách mùa cao điểm cuối năm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã triển khai 80 vị trí đỗ tàu bay khai thác thương mại, 2 vị trí phục vụ công tác khẩn nguy. Trong thời gian phục vụ cao điểm, Cảng vẫn duy trì sử dụng các cửa 15 và 26 để tăng diện tích cho hành khách ngồi chờ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đã họp với các đơn vị vận tải yêu cầu tăng 20% số lượt vận chuyển so với hiện nay, dự kiến khoảng 14.000 lượt/ngày để hạn chế tình trạng khách phải chen chúc đón xe.
Bên cạnh đó, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã áp dụng thử nghiệm phương án lưu thông của xe Cobus đón trả khách trên đường công vụ A2, đoạn tiếp giáp nhà ga quốc nội để giảm thiểu ùn tắc. Từ ngày 23/11, nhiều vị trí đỗ và đường công vụ A10 đã được đưa vào khai thác để giảm áp lực luồng tuyến cho các hoạt động đón trả khách, vận chuyển hành lý.
Về việc chậm triển khai thu phí không dừng đường vào sân bay, ông Nguyễn Công Hoàn, Phó giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, pháp lý cho việc triển khai thu phí không dừng tại sân bay Tân Sơn Nhất cần nghiên cứu và cần được các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận do sân bay là khu vực đặc thù liên quan đến cả vấn đề an ninh, quốc phòng. Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ cố gắng hoàn thiện phương án để trình Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phê duyệt.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa yêu cầu các đơn vị căn cứ lịch bay đã được Cục cấp phép để xây dựng phương án nhân sự (bao gồm cả nhân sự dự phòng), sẵn sàng phục vụ hành khách đi lại bằng đường hàng không dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023.
Cục Hàng không đặc biệt lưu ý các đơn vị khi triển khai việc phục vụ các chuyến bay đêm tại các cảng hàng không cần lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu hàng không phục vụ khai thác ban đêm. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để bảo đảm an ninh an toàn và chất lượng lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ hành khách, bao gồm trường hợp xảy ra tình huống chậm chuyến, hủy chuyến.
Các hãng hàng không được yêu cầu chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, liên tục cho các cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các đơn vị phục vụ mặt đất để hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thông suốt, không bị gián đoạn và bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 950 chuyến/ngày đến 990 chuyến/ngày trên các đường bay nội địa.
So với lịch bay thường lệ mùa Đông 2022/2023, trung bình hằng ngày các hãng hàng không khai thác tăng thêm từ 250-290 chuyến với ghế cung ứng trung bình tăng thêm từ 50.000 - 60.000 ghế trên các đường bay nội địa.
Tổng cộng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lượng ghế cung ứng tăng thêm xấp xỉ 1,7 triệu ghế trên các đường bay nội địa với tỉ lệ tăng hơn 33% so với thường lệ.
Phan Trang