Ông Ngô Chí Dũng và ông Hervé Profit ký bản ghi nhớ hợp tác, hướng đến nỗ lực sớm đưa vaccine phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam
Theo đó, hai bên hướng tới tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lâm sàng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp dự phòng bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
Vaccine phòng bệnh tay chân miệng được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tuổi. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín thế giới The Lancet cho thấy, vaccine an toàn và có hiệu quả bảo vệ cao đến 96,8%, duy trì miễn dịch lâu dài giúp chống lại bệnh tay chân miệng do phân nhóm EV71 lưu hành gần đây ở bất kỳ độ nặng nào.
Tại lễ ký kết, ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics, cho biết, sẽ sớm đưa vaccine phòng bệnh tay chân miệng về Việt Nam để góp phần bảo vệ trẻ em, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm và mang lại những chuyển đổi tích cực trong cuộc chiến chống lại bệnh tay chân miệng- căn bệnh gây nhiều gánh nặng cho sức khỏe của trẻ em hàng năm.
Đánh giá cao ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Substipharm Biologics, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế, do đó, 2 bên cùng hy vọng có được nguồn cung ứng đầy đủ, để có thể đảm bảo nhanh chóng triển khai tiêm chủng rộng khắp cho trẻ em, kịp thời phòng bệnh.
Tay chân miệng do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Trong khi, EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguy cơ mắc bệnh nặng do EV71 tăng 16 lần so với nhiễm các chủng virus tay chân miệng khác.
Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, hầu, họng, nước bọt và các nốt phỏng hoặc tiếp xúc gián tiếp với chất tiết, bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà…
Các biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm: sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Một đến hai ngày sau khi sốt, trẻ xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Phát ban màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, kèm bọng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và cơ quan sinh dục.
Trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người lớn. Nhà trẻ và trường mầm non là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển ổ dịch.
HM