In bài viết

Tận dụng cơ chế hỗ trợ, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro

(Chinhphu.vn) – Tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần khẩn trương thực thi các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN).

25/04/2023 20:13
Tận dụng cơ chế hỗ trợ,  đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 25/4 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/HT

Đây là thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều ngày 25/4 tại Hà Nội.

Các thị trường khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt 2,57% 

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tại thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều DN phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động. 

Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của kinh tế, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến vấn đề dòng vốn, dòng hàng hóa, lưu chuyển hàng hóa trên thế giới... 

Thị trường bất động sản (BĐS); thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu) đang khó khăn là những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.

Tận dụng cơ chế hỗ trợ,  đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro - Ảnh 2.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các NHTM triển khai hiệu quả Thông tư 02 để chính sách đúng đắn sớm đi vào cuộc sống - Ảnh: VGP/HT

Lãnh đạo NHNN cho biết: Ngay những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa chính sách tiền tệ. 

Thứ nhất là đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng.

 Thứ hai, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, đây vừa là công cụ điều hành, là tín hiệu cho thị trường, vừa là chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động và cho vay. 

Thứ ba, NHNN đã tạo nhiều điều kiện thuân lợi cho tín dụng các ngành kinh tế, ví dụ như bất động sản... 

Thứ tư, NHNN ban hành Thông tư 02 về chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho DN hiện nay. 

Thứ năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, NHNN cũng  đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN.

Riêng đối với lĩnh vực BĐS, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai Nghị quyết. 

Đồng thời, ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

 Tăng cường kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS... 

NHNN kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số DN trong hệ sinh thái hoặc DN "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn...

Về chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn. 

Tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

"Kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho NHNN và ngành ngân hàng bài toán về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống" - Phó Thống đốc nói.

Khẩn trương triển khai Thông tư 02 tháo gỡ khó khăn cho DN

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, ngày 23/4/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Tận dụng cơ chế hỗ trợ,  đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro - Ảnh 3.

Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) phân tích về Thông tư 02 - Ảnh: VGP/HT

Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

 Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm. Mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông tư sẽ được triển khai từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.

 Bà Hà Thu Giang lưu ý: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các TCTD vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024...

Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, ngay từ đầu năm Vietcombank có 2 đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng. Hiện nay ngân hàng cũng đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. 

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của DN cũng như nền kinh tế còn hạn chế. Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02 của NHNN nhằm triển khai tốt chủ trương của Chính phủ.

Có cùng quan điểm, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV đánh giá: Nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ giai đoạn trước, thể hiện hấp thụ tín dụng của nền kinh tế giảm, một phần do các đơn hàng xuất khẩu giảm vì các khó khăn kinh tế toàn cầu.

Đại diện BIDV đánh giá cao các chính sách được Chính phủ và NHNN đưa ra thời gian qua, đặc biệt Thông tư 02 vừa ban hành. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp DN vượt qua khó khăn. BIDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này vào thực tế nhanh nhất.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: Tình hình hiện nay bản thân các DN tương đối thận trọng vay vốn, DN xuất nhập khẩu có ít đơn hàng mới, cũng như các dự án BĐS mới.

Thông tư 02 ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của DN, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển.

"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn COVID-19 trước đây. Chúng tôi tin rằng triển khai Thông tư 02 lần này cũng sẽ có những thuận lợi để hỗ trợ DN, người dân. Ngành ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế, dù dư địa để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế không còn nhiều", ông Phạm Quang Thắng nói.

Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sáng nay, Thủ tướng đã họp với NHNN và các NHTM Nhà nước, trong đó chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN và người dân. 

Phó Thống đốc cũng đề nghị lãnh đạo các ngân hàng thương mại và lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng nhà nước cần tích cực triển khai cũng như có các giải pháp để Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền về vấn đề thực thi chính sách.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, điểm đáng chú ý của 2 thông tư này là gỡ vướng cả 2 phía. Theo đó, các DN, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn. Trong khi đó, về phía TCTD có thể đầu tư, cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp khi đáp ứng một số điều kiện đã nêu trong 2 thông tư. Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, các thông tư của NHNN là kịp thời quyết liệt, được DN đón nhận và hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương của Chính phủ, NHNN đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Trước tiên, các TCTD cần có các hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng trong hệ thống ngân hàng của mình. Thứ hai, cần chủ động đưa ra các tiêu chí, để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ. Các TCTD cần chủ động đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Thứ ba, các TCTD cần có kênh thường xuyên trao đổi, làm việc với khách khách hàng, nắm tình hình tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cần phải sát sao trong quá trình kiểm tra nhằm bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ đó, đầu tư trái phiếu an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật. Về phía các cơ quan quản lý, NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

Huy Thắng