Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
NHNN vừa ban hành liên tiếp 2 Thông tư 02 và Thông tư 03.
Theo đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.
NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Bình luận về Thông tư 02, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam sau quý I/2023 vừa qua còn nhiều khó khăn thách thức và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc NHNN khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và DN là động thái chính sách cần thiết và kịp thời. Mục tiêu là nhằm giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của DN, giúp người dân và DN dùng tiền đó vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và DN, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng.
Khi DN, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm.
Sau Thông tư 02, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN. Cụ thể, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng việc ban hành Thông tư này nhằm 2 mục đích chính.
Thứ nhất là góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường TPDN, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ TPDN đáo hạn rơi vào quý II, IV tương đối nhiều.
Thứ hai, Thông tư 03 sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các TCTD cho vay, đầu tư, xem xét mua lại TPDN, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả DN và các TCTD.
Như vậy, Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường TPDN, tăng nguồn lực về vốn cho DN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới.
Theo TS. Cấn Văn Lực, điểm đáng chú ý của 2 Thông tư này là vướng cả 2 phía. Theo đó, các DN, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn. Trong khi đó, về phía TCTD có thể đầu tư, cho vay, mua TPDN khi đáp ứng một số điều kiện đã nêu trong 2 Thông tư.
Bên cạnh đó, 2 Thông tư có các điều khoản đủ chặt để vẫn "bảo đảm mọi rủi ro trong tầm kiểm soát" với 3 đặc điểm quan trọng.
Thứ nhất là xem xét quyết định việc hoãn, giãn nợ về cơ bản do các TCTD chủ động quyết định trên cơ sở đánh giá tình hình DN, khả năng phục hồi, bao gồm trả nợ cả tín dụng thông thường và TPDN. Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.
Thứ hai, riêng Thông tư 02 vẫn có "van" an toàn về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, theo đó, NHNN yêu cầu TCTD trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng quy định trên của NHNN khá chặt chẽ nhằm bảo đảm ngay cả trong trường hợp tình huống xấu nhất xảy ra, các TCTD có đủ nguồn lực kiểm soát và xử lý tình hình. Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thời hạn cụ thể, trước mắt là tới 30/6/20024. Thời gian cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ tối đa 1 năm kể từ ngày khoản đó được cơ cấu lại…
Việc đặt thời hạn là cách xây dựng chính sách duy trì khả năng kiểm soát rủi ro của các ngân hàng. Thông tư 02 cũng có định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.
Việc thiết kế các Thông tư trên đáp ứng đúng các chỉ đạo hết sức cụ thể của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với NHNN, đặc biệt là việc "hỗ trợ không quên kiểm soát rủi ro".
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị NHNN cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp. Thủ tướng đã đề nghị NHNN thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các TCTD và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD khi thực hiện 2 Thông tư, theo dõi sát sao tình hình DN với mục đích kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời, có thể ngăn ngừa kịp thời các rủi ro.
Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, các Thông tư của NHNN là kịp thời quyết liệt, được thị trường, DN đón nhận và hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương của Chính phủ, NHNN đi vào cuộc sống một cách thực chất.
Trước tiên, các TCTD cần có các hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng trong hệ thống ngân hàng của mình.
Thứ hai, cần chủ động đưa ra các tiêu chí, để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ. Các TCTD cần chủ động đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Thứ ba, các TCTD cần có kênh thường xuyên trao đổi, làm việc với khách khách hàng, nắm tình hình tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cần phải sát sao trong quá trình kiểm tra nhằm bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ đó, đầu tư trái phiếu an toàn, hiệu qủa, đúng pháp luật.
Về phía các cơ quan quản lý, NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Trước mắt, lãnh đạo NHNN sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023.
Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Chính phủ liên tục có các chính sách nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như đạt được các mục tiêu khác nhau cho nền kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN tính toán giảm lãi suất điều hành ngay khi có điều kiện. Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu NHNN tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Về chính sách tài khoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá Nghị định này sẽ giúp các DN hoàn toàn có thể tính được dòng tiền, được hoãn giãn bao nhiêu tiền thuế chưa phải nộp, từ đó, chủ động dùng nguồn lực đó vào sản xuất kinh doanh cũng như tái sản xuất.
Chính phủ cũng đã đề xuất với Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%.
Việc giảm thuế VAT lần này sẽ giúp DN giảm được chi phí đầu vào và tạo điều kiện cho việc giảm giá hàng hoá đầu ra, giúp DN tiết kiệm chi phí. Đồng thời, việc giảm thuế VAT mang lại lợi ích người tiêu dùng, có tác dụng kích cầu.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế giúp giảm giá hàng hoá sẽ giảm sức ép lạm phát, làm cho đồng tiền Việt Nam mạnh hơn, từ đó góp phần ổn định giá trị đồng nội tệ so với các đồng tiền quốc tế, tăng cường thu hút FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
Huy Thắng