Hoạt động này nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống.
Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%.
Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản – nhi phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở, nhiều thành tựu khoa học – kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu ứng dụng, nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản của nhân dân.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Đó là, tình trạng sức khỏe của người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng vẫn còn có sự chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc.
Đặc biệt, tử vong mẹ, tử vong trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em còn rất cao ở vùng khó khăn, trong các hộ nghèo, cận nghèo và một số nhóm dân tộc thiểu số.
"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có thêm nhiều hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc, kết hợp chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới", GS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Trong hoạt động chuyển giao kỹ thuật lần này, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật và tổ chức tập huấn về phòng ngừa băng huyết sau đẻ, phòng ngừa thuyên tắc mạch trong sản khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung và cấp cứu ban đầu ngừng tuần hoàn cho học viên - là cán bộ y tế hiện đang công tác trong lĩnh vực sản phụ khoa của tỉnh Yên Bái (gồm: Bệnh viện Sản-Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Trung tâm y tế tuyến huyện, Bệnh viện đa khoa Hữu Nghị 103, phòng khám Việt Tràng An).
Các kỹ thuật này góp phần rất quan trọng trong xử trí cấp cứu sản khoa cho người bệnh tại các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Yên Bái.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2024, Bộ Y tế xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân.
Đây là cơ sở cho các chương trình tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là việc ứng dụng chuyển đổi số y tế, chuyển giao công nghệ trong khám và điều trị bệnh cho tuyến cơ sở, đặc biệt hướng tới những khu vực khó khăn, vùng núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình chuyển giao kỹ thuật được triển khai với mục tiêu kép, gồm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí cần thiết nhất cho người dân tại địa phương và thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện vùng đồng bào dân tộc, sẽ giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng để chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng của mình một cách tốt nhất.
Cũng nhân dịp này, đoàn công tác đã khám bệnh miễn phí, cấp phát thuốc miễn phí cho 1000 người dân địa phương.
HM