Theo ông Đặng Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, sản xuất giống là một trong những lợi thế tiềm năng của tỉnh, nếu phát huy được hiệu quả sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp thuần túy. Do vậy, Trung tâm rất chú trọng phối hợp với các doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất giống. Việc mở rộng các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi như sản xuất giống lúa, bắp và sản xuất giống thủy sản như giống cá bống tượng, cá lăng vàng, cá rô đầu vuông và giống cua xanh... đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Trong vụ Đông - Xuân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện miền núi Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, có nhiều mô hình được áp dụng như: mô hình thâm canh lúa nước ML 48, ML 214; mô hình nhân lúa giống ML 214, ML 202.... sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất ước đạt từ 6 đến 6,5 tấn/ha, cao hơn so với canh tác trước đây từ 1 đến 1,5 tấn/ha. Đối với mô hình thâm canh bắp lai giống mới NK 66, V 98-2, SSC 586...., năng suất ước đạt 6,5 đến 7,5 tấn/ha, doanh thu từ 28 đến 30 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm còn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân để áp dụng vào chăn nuôi như: mô hình cải tạo đàn bò, đàn cừu; mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; mô hình phát triển cá nước ngọt... sẽ mang lại thu nhập khá cao cho người dân.
Hiện Trung tâm triển khai một số mô hình như: nuôi cá lăng nha; nuôi cá chép ghép với cá khác tại xã Phước Tiến, huyện miền núi Bác Ái, có khả năng sẽ cho thu hoạch cao do cá phát triển và tăng trọng ổn định; mô hình nuôi cá chình tại xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước....hứa hẹn sẽ mang lại bội thu cho người dân nơi đây. Ngoài ra còn nhiều mô hình nâng cao thu nhập cho hộ nông - ngư dân theo hướng bền vững, phù hợp với khả năng tiếp nhận và áp dụng của đại bộ phận người dân, theo định hướng đầu tư phát triển của ngành như: luân canh cây trồng; trồng rong sụn trên giàn lưới; trồng thâm canh cây trôm; trồng thâm canh cây táo ta; cây hành, cây tỏi; hợp tác nhóm hộ sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa; sản xuất muối sạch; sử dụng máy dò ngang trong đánh bắt thủy sản xa bờ....
Để nhân rộng mô hình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tích cực tuyên truyền để người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó gắn với việc mời gọi và ưu đãi các doanh nghiệp theo hình thức liên kết, đầu tư cơ sở chế biến, thu mua nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực để nông sản của tỉnh có tính cạnh tranh cao trên thị trường, hướng đến phát triển bền vữn.
Công Thử